Hiện trong các khách sạn 4 sao và 5 sao, lao động Việt Nam phần lớn chỉ đảm nhận các vị trí như phục vụ, tạp vụ… còn các vị trí lễ tân, giám sát, quản lý đã thuộc về lao động nước ngoài mà chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,…
Không đặt lên bàn cân đây cũng là minh chứng cho thấy lao động Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, thiếu các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Vì vậy vấn đề làm thế nào để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp rất đáng quan tâm, còn nhân lực có nhưng không đáp ứng được thì thiếu vẫn hoàn thiếu, thừa lại hoàn thừa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ths Nguyễn Văn Ít – Phó trưởng khoa Quản trị du lịch và nhà hàng – khách sạn trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có những chia sẻ và nhận định.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về nhu cầu nhân lực ngành du lịch và nhà hàng khách sạn ở Việt Nam?
Ths Nguyễn Văn Ít: Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành du lịch và nhà hàng khách sạn cần 40.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cở sở đào tạo trên cả nước. Trong số này nhân sự được đào tạo chính quy và sử dụng được trong ngành cũng rất ít khi chỉ có khoảng 4.000 người.
Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Na cho thấy, nhu cầu lao động đến năm 2022 của ngành du lịch hơn 4 triệu lao động và hơn 1.6 triệu việc làm trực tiếp. Điều này cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực trong du lịch Việt Nam cả hiện tại và trong tương lai rất lớn.
Hiện nay, trong các khách sạn 4 sao và 5 sao, lao động Việt Nam chỉ đảm nhận các vị trí như phục vụ, tạp vụ, vệ sinh, rửa chén… còn các vị tr lễ tân, giám sát, quản lý đã thuộc về lao động nước ngoài mà chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Điều này cho thấy lao động Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, thiếu các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Vì vậy vấn đề làm thế nào để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp rất đáng quan tâm, còn nhân lực có nhưng không đáp ứng được thì thiếu vẫn hoàn thiếu, thừa lại hoàn thừa.
Có rất nhiều người làm du lịch “tay ngang” ảnh hưởng tới chất lượng của nghề này trong khi đó những người được đào tạo chính quy lại từ bỏ nghề. Theo ông sinh viên chọn ngành nàycần xác định cho bản thân những điều gì?
Ths Nguyễn Văn Ít: Việc chọn lựa ngành học khi vừa tốt nghiệp THPT thật không dễ khi các em chưa định hình được tương lai phía trước như thế nào. Các em chọn ngành học với rất nhiều lý do như: Cha mẹ chọn hoặc định hướng, chọn theo bạn bè, đam mê, chọn theo khả năng và cuối cùng là “may mắn”. Trong các kỳ tuyển sinh và thông tin được công khai trên website của khoa Du lịch, trường chúng tôi luôn hướng các em hãy chọn nghề bằng đam mê và khả năng.
Đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, các em phải là người yêu thích du lịch, thiên nhiên, đất nước, con người, thích khám phá cũng như thích trở thành nhà quản trị, quản lý về lĩnh vực liên quan đến dịch vụ du lịch lữ hành.
Đối với ngành Quản trị nhà hàng & dịch vụ ăn uống, các em phải có niềm đam mê với ẩm thực vì việc thưởng thức món ăn, phong cách ăn uống hay đam mê, tìm hiểu văn hoá ẩm thực của Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ giúp các em trở thành những nhà quản trị, quản lý về lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Ngoài ra, với hai ngành này chúng tôi rất cần những sinh viên có tố chất lanh lợi, hoạt bát, thân thiện, hoà đồng, khôi hài, chăm chỉ, mến khách.
Cùng đào tạo du lịch, lữ hành, quản trị nhà hàng dịch vụ ăn uống, trường ông có thế mạnh gì so với các trường khác?
Ths Nguyễn Văn Ít: Chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, Khoa Du lịch đã áp dụng đào tạo theo cơ chế đặc thù gắn với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo liên tục được cập nhật dựa trên thay đổi của thị trường lao động trong và ngoài nước và các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài.
Ngoài học lý thuyết trên lớp, một nửa thời lượng chương trình sinh viên sẽ thực hành trực tiếp tại các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn 4 và 5 sao theo chuẩn quốc tế mà nhà trường đã ký kết. Các em cũng thực hành tại quầy bar và công ty du lịch do trường đầu tư.
Ngoài giảng viên cơ hữu có nhiều năm kinh nghiệm trường cũng liên tục mời nhiều giảng viên là các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ tiến sĩ, các doanh nhân và những chuyên gia để tham gia giảng dạy cho các em.
Ông có thể cho biết hai ngành “Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành” và ngành “Quản trị nhà hàng & dịch vụ ăn uống” sẽ đảm nhận công việc cụ thể như thế nàosau khi tốt nghiệp?
Ths Nguyễn Văn Ít: Các em có thể làm nhiều vị trí khác nhau của ngành du lịch. Hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành “Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành” của trường đã tham gia làm hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước. Các em đảm nhiệm công việc quản trị, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành của các doanh nghiệp du lịch lữ hành hay làm việc tại các cơ quan nhà nước nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch lữ hành. Với những em có khả năng tổ chức nghiên cứu, phù hợp kinh doanh lĩnh vực du lịch hay làm quản trị, quản lý các dự án trong lĩnh vực du lịch - vui chơi giải trí cho các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế. Riêng một số em vẫn tiếp tục gắn bó với nghề giáo, đã giảng dạy ở các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp về nghề của mình…
Còn ngành “Quản trị nhà hàng & dịch vụ ăn uống” cũng ghi nhận nhiều em là các chuyên viên tổ chức sự kiện ẩm thực trong các nhà hàng, khách sạn; Quản lý kho hàng thực phẩm và quản lý pha chế; tổ chức huấn luyện cho nhân viên các nghiệp vụ lễ tân, bàn, bar hay tham gia dịch vụ chăm sóc khách hàng, sales và marketing cho các nhà hàng, khách sạn…Rất nhiều sinh viên đang điều hành các cơ sở kinh doanh ăn uống; chuỗi nhà hàng, chuỗi café cao cấp; trung tâm tổ chức tiệc, hội nghị và tham gia hoạch định những chính sách phát triển du lịch và khách sạn ở Việt Nam…
Bài toán giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra được được Khoa và nhà trường thực hiện như thế nào thưa ông?
Ths Nguyễn Văn Ít: Với những thay đổi trong chương trình đào tạo chúng tôi không chỉ giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên mà còn giải quyết việc thiếu thừa nhân lực có trình độ cao trong ngành này cho xã hội.
Trong quá trình đào tạo sinh viên được học thực tế tại các doanh nghiệp là các công ty lữ hành và các khách sạn 4 và 5 sao là một lợi thế rất lớn. Những đơn vị này sẽ nhận các em làm việc chính thức mà không tốn phí đào tạo lại. Kinh nghiệm thực tế không chỉ giúp các em có việc làm ổn định trong nước mà còn trở thành những ứng viên sáng giá cho các tập đoàn du lịch, khách sạn và nhà hàng quốc tế.
Đăng Khoa