+Aa-
    Zalo

    Ngành dịch vụ không thiết yếu "chật vật" trong mùa dịch COVID-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khác với một số dịch vụ có thể linh hoạt phương thức hoạt động, mảng dịch vụ không thiết yếu như thẩm mỹ, quán bar, karaoke,… luôn trong tình trạng "đóng cửa cứng" vì tính chất cố định của loại hình này.

    Trong hơn 1 năm qua, với sự nguy hiểm và khó lường của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, điển hình là việc giãn cách xã hội, nhằm phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

    Để đạt được sự hiệu quả trong công tác phòng chống dịch chính là nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, trong đó phải kể đến sự đồng lòng của những người hoạt động trong mảng dịch vụ không thiết yếu.

    Nếu như trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các loại hình dịch vụ ăn uống có thể hoạt động theo cách thức bán mang về, hay các loại hình kinh doanh sản phẩm có thể chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến, thì các loại hình thuộc mảng dịch vụ không thiết yếu lại không được linh hoạt như vậy.

    Một số dịch vụ không thiết yếu như thẩm mỹ, karaoke, quán bar, game online, massage,… luôn phải “đóng cửa cứng” vì tính chất cố định của các loại hình này. Thậm chí, đây luôn là những loại hình dịch vụ phải đóng cửa đầu tiên và mở cửa cuối cùng mỗi khi dịch bệnh bùng phát.

    Bất chập việc phải hi sinh lợi ích cá nhân của mình, đa phần các chủ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đều ý thức được sự quan trọng của an toàn cộng đồng và tuân thủ nghiêm các yêu cầu của cơ quan chức năng.

    Trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4, TP.Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng dịch vụ không thiết yếu bắt đầu từ 0h ngày 5/5/2021.

    Theo ghi nhận của PV, hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yêu đều nghiêm chỉnh thực hiện theo yêu cầu của thành phố.

    Tại phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), nếu như thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát luôn náo nhiệt với tiếng hò reo từ các tụ điểm kinh doanh trò chơi điện tử, nay trở nên yên tĩnh lạ thường. Khu vực kinh doanh dịch vụ karaoke vốn khá nhộn nhịp như đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) cũng đều đóng cửa kín mít. Các cửa hàng cắt tóc, phòng gym, dịch vụ massage,… đều trong hoàn cảnh tương tự.

    nganh dich vu khong thiet yeu chat vat trong mua dich covid 19 dspl 31
    Theo anh Long, dù đã được mở cửa trở lại nhưng anh vẫn chưa đón lượng khách tới quán đông như trước do e ngại về dịch. 

    Chia sẻ với PV Đời sống& Pháp luật, anh Long- chủ tiệm tóc Doppelgänger trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) cho biết, việc giãn cách xã hội, cụ thể là ngừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu để phòng chống dịch bệnh là biện pháp hoàn toàn đúng đắn của cơ quan chức năng.

    “Cửa hàng chấp nhận thua lỗ, đóng cửa hoàn toàn mỗi khi thành phố có chỉ thị dừng hoạt động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, anh Long cho hay.

    Tuy nhiên, anh Long vẫn không khỏi trăn trở bởi ngay cả khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì nguy cơ tiểm ẩn vẫn cao và "di chứng" nó để lại vẫn khiến không ít hộ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải "đau đầu".

    “Trước dịch bệnh COVID-19, quán có lượng khách quen tới đều đặn mỗi ngày. Khách hàng tới thoải mái, không cần đặt lịch hẹn trước nên ngồi chờ đông một chút cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù đã được mở cửa trở lại nhưng lượng khách tới vẫn chưa được như trước, tần suất quay lại quán ít hơn do e ngại về COVID-19”, anh Long chia sẻ.

    Ngành dịch vụ trò chơi điện tử là một loại hình tương đối phổ biến hiện nay và cũng đang phải căng mình chống chịu những khó khăn mà dịch COVID-19 mang lại.

    “Với hình thức luôn phải tụ tập đông người, nên việc ngừng hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan chức năng là hoàn toàn hợp lý. Thời điểm này, sự an toàn của cộng đồng luôn phải được đặt lên hàng đầu”, anh Tạ Quang Đức- một chủ chi nhánh kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử KOW bày tỏ quan điểm.

    Tuy nhiên, anh Đức cũng rất quan ngại với tình hình kinh doanh của quán, trong bối cảnh không biết chắc chắn dịch bệnh đến bao giờ mới kết thúc.

    “Không được hoạt động kinh doanh nhưng chi phí mặt bằng, dịch vụ viễn thông vẫn phải chi trả đều đặn theo kỳ. Dù được chủ mặt bằng thông cảm và chia sẻ nhưng con số còn lại vẫn là quá lớn trong bối cảnh quán phải đóng cứng. Nếu tình hình hiện tại vẫn còn kéo dài, e là tôi sẽ phải sẽ phải thanh lý toàn bộ quán”, anh Đức chia sẻ, đồng thời cho biết với loại hình cố định như trò chơi điện tử, thực sự không có cách nào để chống chọi với tác động của đại dịch.

    “Theo tôi, đồng lòng chống dịch là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân. Tuy nhiên, tôi cũng mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn và có những biện pháp hỗ trợ chúng tôi vượt qua đại dịch, bởi dù ‘không thiết yếu’ nhưng loại hình mà chúng tôi đang làm cũng góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái xã hội. Hơn hết, đó cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình”, anh Đức bày tỏ.

    Cùng chung nỗi lo đó, chị Nguyễn Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội)- chủ cơ sở thẩm mỹ viện Daisy cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cơ sở không được hoạt động, tuy nhiên, với mô hình spa hoạt động theo chuỗi, các chi phí như tiền nhà, tiền bảo vệ, tiền điện nước và những khoản chi phí cố định khác vẫn phải thanh toán bình thường. Ngoài ra, phía cơ sở cũng phải hỗ trợ tiền lương cho nhân sự để duy trì bộ máy.

    nganh dich vu khong thiet yeu chat vat trong mua dich covid 19 dspl 2
    nganh dich vu khong thiet yeu chat vat trong mua dich covid 19 dspl 11
    Cơ sở của chị Tâm phải đóng cửa nhiều tháng liền để phòng chống dịch COVID-19. 

    "Ngành thẩm mỹ không giống như dịch vụ ăn uống, có thể linh hoạt phương thức hoạt động từ bán tại cửa hàng thành bán qua các kênh online, bán mang về.

    Khi có công văn của TP yêu cầu tạm dừng các dịch vụ không cần thiết, chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn, không hoạt động.

    Do cơ sở phải đóng cửa theo quy định để phòng chống dịch COVID-19, một số khách hàng đang sử dụng liệu trình thì bị tạm dừng đã yêu cầu đòi trả lại tiền dịch vụ đã đóng. Trang thiết bị một thời gian dài không sử dụng cũng dẫn đến hỏng hóc. Đứng trên góc độ là chủ doanh nghiệp, nhiều khi tôi cảm thấy bất lực vì phải ở trong trạng thái chờ đợi. Cũng chỉ biết động viên và hỗ trợ nhân viên cùng vượt qua khó khăn này", chị Tâm chia sẻ.

    Chị Tâm cũng bày tỏ, nếu tiếp tục phải dừng hoạt động trong một thời gian dài, phía cơ sở có thể sẽ không giữ chân được nhân sự do họ buộc phải chuyển sang ngành khác để duy trì cuộc sống.

    Theo chị Tâm, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạt động bình thường trở lại của các ngành dịch vụ không thiết yếu sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

    Thiết nghĩ, các địa phương nên tìm phương án để các dịch vụ không thiết yếu có thể hoạt động trở lại thay vì cấm như hiện nay. Có thể yêu cầu các cửa hàng, phòng tập gym có những biện pháp quản lý khách ra vào như quét mã QR, khai báo y tế thông qua ứng dụng PC Covid... khi đến những địa điểm này. 

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

    Hoa Vũ- Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-dich-vu-khong-thiet-yeu-chat-vat-trong-mua-dich-covid-19-a516817.html
    Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh Covid-19

    Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh Covid-19

    8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) đề ra. Đặc biệt, thông tin với báo chí, Bộ Tài chính cho biết: “Trong khi các nguồn thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu đạt mức thấp so với dự toán thì thu ngân sách từ dầu thô 8 tháng vẫn ghi nhận kết quả tích cực, đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ”.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh Covid-19

    Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh Covid-19

    8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) đề ra. Đặc biệt, thông tin với báo chí, Bộ Tài chính cho biết: “Trong khi các nguồn thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu đạt mức thấp so với dự toán thì thu ngân sách từ dầu thô 8 tháng vẫn ghi nhận kết quả tích cực, đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ”.