Kì thi THPT quốc gia năm 2019 đã kết thúc, song giám khảo môn chấm thi môn Ngữ văn tại TP.HCM vẫn còn dư âm về những bài viết ngô nghê, cười ra nước mắt của thí sinh.
Đề thi môn Ngữ văn kì thi THPT uốc gia năm 2019. |
Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay trên báo Người Lao Động, thầy Lê Duy Tân, giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: Đề thi có tính phân hóa tốt. Câu nghị luận văn học ra đúng vấn đề trọng tâm ôn tập nhưng đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng làm bài. Ý nâng cao khó, học sinh phải nắm bài thật tốt mới làm rõ được.
Phần đọc hiểu vẫn các dạng câu hỏi truyền thống nhưng cũng không dễ đạt được điểm tốt nếu không có kĩ năng đọc - hiểu văn bản thơ trữ tình. Vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội khá quen thuộc, không quá khó đối với học sinh.
Nhiều giáo viên khác cũng cùng quan điểm với thầy Lê Duy Tân khi nhận định đề Ngữ văn năm nay khó ở câu nghị luận văn học khi ra vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cũng chính vì vậy, nhiều thí sinh đã có những "sáng tạo" đọc cười đến chảy cả nước mắt.
Chia sẻ với VTC News, một giám khảo ở huyện Nhà Bè cho biết, câu 1 phần Đọc hiểu là thể thơ tự do nhưng có những thí sinh vẫn không biết. Nhiều em trả lời là thể thơ nhà Đường, thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật hay thể thơ tự luận.
Đến phần Nghị luận văn học, khi viết về hình tượng sông Hương, thí sinh tha hồ “chém gió” muôn màu muôn vẻ vì không cảm nhận được vẻ đẹp của dòng Hương Giang nơi mảnh đất cố đô.
Cũng theo giám khảo này, cô chấm một bài thi, thí sinh chỉ viết hai câu: “Cho dù năm nay đề ra suối nước nhà Mị (“Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài) ở, cái ang nước nơi nhà Tràng (“Vợ nhặt” – Kim Lân) hay con sông Hương, Sông Đà ("Người lái đò Sông Đà" - Nguyễn Tuân) thì em cũng đã xác định bị ướt rồi. Em mong giám khảo thương tình mà cứu vớt cho em khỏi đuối nước”.
Một số giám khảo bắt gặp những bài viết khen văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường hay, độc đáo còn sông Hương thì đẹp nhưng cách viết mơ hồ, lủng củng không có nghĩa gì cả.
“Những lời văn mềm mại, dìu dịu rót vào lòng người những say mê ấy tưởng chừng như đó là một giấc mộng hay một giấc chiêm bao ngắn ngủi, nhưng đó lại là ước mơ của những kẻ không mang theo bóng dáng sông Hương, những người con không nhung nhớ, không tha thiết gì về vùng đất xứ sở này”.
"Sông Hương như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Việc so sánh sông Hương với một hình tượng của nước ngoài là một điều hết sức độc đáo, theo hướng đổi mới văn hoá Việt”.
Hay thí sinh viết “Dòng sông Hương uốn mình, lướt thiết tha như nữ hoàng Athena của thần thoại Hy Lạp”...
Cô giáo chấm thi ở quận Tân Phú nhớ lại, có thí sinh liên tưởng con sông Hương như vừa thoát khỏi tù ngục: “Ở với cha (đại ngàn Trường Sơn) bị kìm kẹp lâu ngày nên khi có điều kiện thoát ra đến ngoại vi thành phố Huế, ngay lập tức sông Hương đã sống một cuộc sống đầy bản năng, hoang dại.”
“Con sông Hương mới dậy thì thành công và cũng là lần đầu tiên nó đi gặp người nó yêu là thành phố Huế nên nó suy nghĩ rất kĩ. Nó uốn, nó lượn khắp núi đồi. Nó không dám chảy nhanh để gặp người yêu vì có lẽ nó nghĩ: "Trăm năm tính chuyện vuông tròn/ Phải suy cho kĩ ngọn nguồn lạch sông", một giám khảo kể lại việc thí sinh suy đoán.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức ở 63 cụm thi ở tất cả các tỉnh/TP với hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi. Cả nước có gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi với 887.104 thí sinh. Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%). |
Thanh Tùng (T/h)