(ĐSPL) - Dù cố dằn lòng so sánh nhưng tôi thấy chồng mình thật kém cỏi.
Ngay sau khi kết hôn, vợ chồng tôi xác định sinh liền 2 đứa sau đó mới quay trở lại tập trung phấn đấu cho sự nghiệp. Từ khi mang bầu cho tới lúc sinh nở, tôi tập trung vào học và học. Chồng tôi là kỹ sư xây dựng, còn tôi trước đó đã trúng tuyển vào một cơ quan Nhà nước. khoảng thời gian đó mọi sinh hoạt trong nhà dựa vào đồng lương còm cõi của anh.
Cuộc sống khó khăn bộn bề nhưng tôi vẫn miệt mài học tập bởi chỉ có tri thức mới làm nên tương lai. Trời không phụ lòng người, sau khi con thứ hai được 20 tháng, tôi quyết định bỏ việc nhà nước, xin vào một công ty nước ngoài hàng đầu về lĩnh vực tài chính kế toán. Ban đầu chồng tôi phản ứng quyết liệt. Nhưng tôi thuyết phục anh rằng tôi mong cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn, thay bằng việc đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, ăn nay lại phải tính đến ngày mai. Cuối cùng anh cũng chiều ý tôi.
Môi trường làm việc mới năng động khiến tôi như “cá gặp nước”. Tôi luôn nằm trong top nhân viên xuất sắc được các công ty săn đón. Với mức lương tháng vài ngàn đô, cuộc sống gia đình tôi như “thay da đổi thịt”. Tất cả mọi việc lớn như mua đất, xây nhà, mua ô tô, đều trong khả năng của tôi.
Đúng lúc này, công ty chồng tôi làm ăn bết bát nên anh muốn nghỉ việc. Anh cũng tỏ ra chán nản bởi đồng lương còm cõi của anh giờ chỉ đủ để cho anh tiêu vặt.
Tôi không đồng ý bởi tôi hiểu nếu anh chỉ quanh quẩn nơi 4 bức tường, hạn chế giao lưu, gặp đồng nghiệp thì sẽ dẫn tới những chuyện không hay. Nhưng tôi vẫn tôn trọng quyết định của anh, như khi xưa anh tôn trọng tôi. Anh nói tôi chỉ cần yên tâm làm việc còn mọi việc trong nhà anh sẽ đảm đương hết.
Thế nhưng thực tế cả ngày chồng tôi chẳng động tay vào việc gì. Chuyện bếp nục, lau dọn vẫn đổ vào tay tôi (vì anh đã cho bà giúp việc nghỉ). Công việc của anh chỉ là đưa đón con đi học rồi về nhà nằm khểnh xem phim. Nhiều lúc đi làm căng thẳng, về đến nhà tôi cảm thấy khó chịu. Nhưng nghĩ cho cùng “đàn bà xây tổ ấm” nên tôi nhẫn nhịn cho qua.
Tôi muốn chuyển nhà về gần trường học của con để các con chủ động đi lại, tự lập không cần bố mẹ kè kè ở bên. Tôi cũng muốn căn nhà mới có một khoảng sân nhỏ để trồng ít rau cỏ, để có chỗ cho anh chăm sóc cây cảnh. Nhưng khi nghe tôi nói thì anh thản nhiên: “Em cứ lo liệu tất, anh thế nào cũng được”. Tôi tỏ ý không vui, cố giải thích với anh nhưng đáp lại chỉ là tiếng lạch cạch bàn phìm và những âm thanh chát chúa từ máy chơi game.
Sau khi nghỉ việc, anh cũng chẳng có ý định xin việc mới mà chỉ ở nhà hưởng thụ. Tôi gợi ý anh đi học nâng cao nhưng anh bảo nại. Tôi nói mãi mà anh không thay đổi. Trong khi bạn bè có chí tiến thủ được thăng chức này nọ, còn chồng tôi thì… Nghĩ đến mà tôi không khỏi buồn lòng.
Đã thế, mỗi lần về nhà chồng, anh thường tỏ thái độ tự mãn khiến bố mẹ chồng sung sướng, tự hào vì có cậu con trai giỏi giang và bóng gió rằng tôi phải có phước lắm mới lấy được người chồng tài giỏi.
Chẳng biết tự bao giờ, chồng còn có tài “bốc phét” khi mỗi lần tụ tập với bạn bè là lại vỗ ngực rằng đang làm dự án cho công ty nước ngoài, chủ yếu làm trên bản thiết kế, có thể làm tại nhà, thu nhập tốt. Tôi ngán ngẩm lắm với cái tính “nổ’ của chồng nhưng “xấu chàng hổ ai”, tôi thà nhẫn nhịn còn hơn mang tiếng lấy phải người chồng không có ý chí, chỉ biết ăn bám vợ.
Thực sự tôi không coi thường chồng nhưng anh có một thân thể khỏe mạnh, có trình độ thì thiếu gì việc để làm. Nhưng anh lúc nào cũng tự thỏa mãn thế là đủ, một hai nghe theo sắp đặt của vợ. Dù cố dằn lòng so sánh nhưng tôi thấy chồng mình thật kém cỏi. Càng ngày vị trí của chồng càng mờ nhạt trong lòng tôi, trong khi xung quanh không thiếu gì những người đàn ông thành đạt “tán tỉnh” tôi. Tôi sợ mình sẽ sa ngã mất.
HẢI ANH