Ít nhất đã có 3 ngân hàng lên kế hoạch tiếp tục thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) năm 2014. Cùng với đó, nhiều NH cũng đang lên phương án tăng vốn điều lệ nhờ đối tác và đặc biệt là đối tác ngoại.
Tháng 4/2013, đại hội đồng cổ đông của Eximbank đã thông qua chủ trương thực hiện kế hoạch sáp nhập NH. Tại thời điểm đó, dư luận đồn đoán rằng NH mà Eximbank nhắm tới sáp nhập chính là Sacombank và ngược lại.
Sacombank và Eximbank: Duyên chưa kết?
Bước sang năm 2014, câu chuyện này dường như chưa được khơi lại nhưng gió có vẻ đã đổi chiều. Mọi sự trở nên khó đoán hơn khi một loạt các thay đổi ở Eximbank diễn ra, cùng lúc những vị trí chủ chốt của Sacombank cũng đã vững vàng hơn sau sóng gió nhất thời ở kì chuyển giao quyền lực. Chưa biết Eximbank và Sacombank có thực sự bàn tính những kế hoạch mà “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” hay không, nhưng Sacombank có vẻ lại đang muốn hướng ra bên ngoài, tìm một đối tác ngoại trong giai đoạn hiện nay.
|
Ngân hàng và những mối lương duyên... đầy toan tính (Hình minh họa). |
Đặt mình vào vị thế Sacombank, một chuyên gia cho rằng các nhà quản trị khôn ngoan và đã vững vàng cũng sẽ chọn đối tác ngoại để phát triển, nhất là khi room 20\% như Nghị định 01/2014/NĐ-CP mà Chính phủ đã cho phép sẽ giúp Sacombank phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Tất nhiên, đối ứng phải là đối tác có tầm cỡ, có kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế, giúp được Sacombank về mặt củng cố năng lực quản trị, phát huy lợi thế mạng lưới chi nhánh trong và ngoài nước mà Sacombank đang sở hữu, không dừng lại ở đối tác đầu tư tài chính kiếm lời.
“Mặc dù nếu hai NH lớn, như Eximbank và Sacombank nhập lại sẽ cho một NH khổng lồ và có vẻ đó sẽ là điều tốt cho thị trường, nhưng rõ ràng những vấn đề hậu M&A như giải quyết cơ cấu quản trị từ cấu trúc chủ sở hữu tới dàn xếp bộ máy lãnh đạo mới – cũ sẽ khá hóc búa. Trong khi đó, cũng có dư luận thị trường cho rằng không hẳn không tốt cho thị trường nếu bỗng nhiên một ngày đẹp trời, đối tác mà Sacombank nhận sáp nhập không phải Eximbank mà là… Phương Nam, cho dù đây có thể không phải là mục đích của những nhà quản trị NH vì suy cho cùng được sở hữu hai NH vẫn “thuận” hơn một.
Vấn đề là trường hợp này nếu có mong muốn cũng khó xảy ra nếu Phương Nam chưa có sự đồng thuận của đối tác ngoại là UOB, mặt khác cổ đông lớn nhất của Sacombank hiện tại lại chính là Eximbank đang chiếm tới 10\%, chưa kể 4,73\% của CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim. Vì vậy, Sacombank trước mắt chắc chắn sẽ khó đưa ra phương án sáp nhập cụ thể”, vị chuyên gia nói.
Thực tế sau một giai đoạn “úp mở”, hiện tại Sacombank đã thông báo quyết định nới room cổ phiếu về lại 30\% theo luật cho nhà đầu tư nước ngoài thay cho lựa chọn khóa room trước đó, với mục tiêu là gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu và tăng thị giá. Lựa chọn này cũng có thể hướng đi mở để Sacombank có thêm thời gian, có cơ hội sàng lọc nhà đầu tư ngoại và từ đó xây mối lương duyên đối tác.
HDBank: Cửa ba hướng mở!
Năm 2013, HDBank đã cùng lúc thực hiện 2 thương vụ M&A: Sáp nhập Đại Á Bank và mua lại Cty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) của Tập đoàn Pháp. Chủ trương M&A để lớn mạnh của HDBank vẫn chưa ngừng lại khi bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank tuyên bố sẽ tiếp tục con đường này vào năm 2014 và HDBank vẫn đang chọn đối tác từ Nhật, Châu Mỹ và Châu Âu.
Có vẻ như HDBank đang hoạch định một mục tiêu không nhỏ. Và đang duy trì một cung cách khôn ngoan khi “chào hàng”: Cứ mở cửa thật rộng để chào đón khách trước, còn khách nào có thể ngồi lại cùng đàm phán, giao dịch với nhau, sẽ là chuyện phải bàn. Vấn đề là chính là HDBank mở cửa rộng cho các nhà đầu tư, cũng cho thấy HDBank có định hướng mở rộng quan hệ quốc tế để không ngừng lớn mạnh trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, khi chưa xác định “khẩu vị” chọn đối tác chiến lược đến từ khu vực nào, dường như điều HDBank mong đợi lúc này vẫn chưa phải là đột phá ra thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thực tế việc HDBank chọn mở cửa ba hướng để đón các đối tác chiến lược nước ngoài sâu xa sẽ là một lựa chọn tốt.
“Cần nhớ rằng trước đó HDBank đã sáp nhập một Cty tài chính. Trên thị trường, ngoài trường hợp PVFC sáp nhập NH để cho ra PVCombank hiện nay thì chỉ có HDBank là thực hiện M&A cùng Cty Tài chính. Như vậy HDBank sẽ có hướng đi tốt và rộng hơn cho hoạt động tài chính của mình, ra ngoài các lĩnh vực tài chính NH truyền thống.
Nhưng cũng vì chính lí do đó mà có thể đối tượng hoạt động, quy mô hoạt động của HDBank sau tái cấu trúc cũng sẽ phải phụ thuộc vào cả đối tác mà họ muốn chọn làm chiến lược, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Vì lẽ đó, chưa biết HDBank sẽ chọn đối tác chiến lược nào nhưng tôi cho rằng NH này sẽ cân nhắc và đặt mục tiêu đối tác phải làm sao để hậu thuận cho họ tận dụng được cả thế mạnh khu vực tài chính lẫn phi NH.
Hơn nữa, kinh doanh lĩnh vực tài chính theo dạng thức các Cty Tài chính rủi ro thường rất cao, vấn đề quản trị tài chính cũng cần được nâng cao, chặt chẽ. Và cuối cùng, để phát huy được thế mạnh dịch vụ cho khu vưc tài chính lẫn phi NH, phải có vốn. Vốn là thực lực của một NH và như vậy đối tác chiến lược cũng phải ý nghĩa hậu thuẫn nguồn lực vốn cho HDBank”, ông Hiếu nói.
Nói một cách khác, trong M&A, điều quan trọng nhất của một đối tác chiến lược vẫn là họ có năng lực tài chính và có thể giúp đối tác phát huy hữu dụng những lợi thế, thi triển chiến lược dài hạn của mình. Vì vậy, tuy khu vực địa lí chào đón đối tác mở ra ba hướng nhưng thực tế HDBank hiện cũng đã định vị rất rõ hình ảnh các nhà đầu tư: Thuộc các thị trường phát triển, có kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế và hoạt động đa quốc gia. Đây đều là những khu vực mà các tổ chức tài chính lớn thường xuyên chiếm các vị trí xếp hạng đầu tiên trong bảng tổng sắp các NH hàng đầu thế giới của Forbes mỗi năm. Cũng là những khu vực mà trong các cuộc chiến chống khủng hoảng và suy thoái kinh tế đã và đang diễn ra, sự thanh lọc các tổ chức tài chính yếu, nhỏ, kém, đã rất mạnh mẽ. Chỉ có những ông lớn thực sự mới đủ sức trụ lại, đồng thời có động lực, năng lực để vươn ra tìm kiếm và phát triển thị trường bên ngoài.
Tại thời điểm hiện nay, một nguồn tin cho biết rất có thể HDBank sẽ có cả ba đối tác từ ba khu vực và NH này thực tế đã tiến hành đàm phán với các đối tác. Chưa biết kết quả đàm phán ra sao nhưng khẳng định của bà Lê Thị Băng Tâm rằng HDBank sẽ bán cổ phần cho nhiều hơn một đối tác có vẻ đã xác thực phần nào quan điểm đa đối tác của HDBank.
Nếu thực sự đa đối tác, HDBank lại sẽ chẳng có điều gì phải lo lắng về lợi thế khu vực lẫn thực thi các mục tiêu to lớn của mình.
Cần bàn tay của “ông mai, bà mối”
Nếu như Sacombank, Eximbank hay HDBank là những NH phương án chọn M&A khá rõ ràng mặc dù kết quả sau cùng còn bỏ ngỏ thì thị trường vẫn còn rất nhiều NH tính chuyện nhân duyên. VPBank có công bố mối duyên đã tạm thành trong năm 2013 với thị trường hay không, đợt khảo sát thực tế tại GPBank có giúp UOB đến gần với quyết định “rước nàng về dinh” và biến thành “người mình” như dự tính, DongABank liệu có để vuột mất cơ hội chọn đối tác ngoại chỉ vì lợi thế “không có nhiều lỗ hổng cần trám” nên không cần vội vàng... Nhân duyên tốt của các NH đang không chỉ phụ thuộc nỗ lực “cọc đi tìm trâu” hay nhu cầu “trâu đi tìm cọc” của các đối tác, còn cần bàn tay của ông mai bà mối ở tầm vĩ mô và mức độ kì vọng với các nguồn lực đến từ khối ngoại.
Rõ ràng việc các NH Việt tìm kiếm mối nhân duyên với các đối tác ngoại giờ đây đã trở thành chuyện đương nhiên. Thừa nhận tầm vóc đòn bẩy của nguồn lực này đối với tiến trình tái cấu trúc của hệ thống NH cũng cần được xem là chuyện đương nhiên, mới hy vọng có chất xúc tác cần thiết cho các cuộc hôn nhân bền vững.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-va-nhung-moi-luong-duyen-day-toan-tinh-a24768.html