(ĐSPL) - Nhiều ngân hàng thời gian gần đây bung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lãi suất cho người vay để 'hút' khách. Đứng trước 'bão' ưu đãi của ngân hàng, có 5 lưu ý mà khách hàng không thể bỏ qua nếu muốn vay tiền ngân hàng.
Vì sao ngân hàng ồ ạt cho vay siêu rẻ?
Nhằm mục tiêu giảm tải áp lực tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm, ngay từ những ngày đầu năm 2015, các ngân hàng đã ồ ạt chạy nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lãi suất để khuyến khích khách hàng vay vốn sớm.
Cụ thể ngân hàng VPBank đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất 8\% /năm trong thời gian tối đa không quá 3 tháng đầu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng đang triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 6\%/năm và khách hàng cá nhân từ 6,4\%/năm.
Còn tại Viet Capital Bank, ngân hàng này cũng tung gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vay, lãi suất chỉ từ 6,5\%/năm. Với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, Viet Capital Bank cũng bung 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,5\%/năm, ưu đãi trong 3 tháng đầu. Bên cạnh đó ngân hàng này còn khẳng định sẽ đơn giản các thủ tục, quy trình để giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng nhất.
Với VIB, ngân hàng này vẫn trung thành theo đuổi chính sách cố định lãi suất khi dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 7,9\%/năm trong 12 tháng đầu cho các khoản vay mới từ 24 tháng trở lên. Bên cạnh đó, VIB cũng dành 3.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi 0,68\%/tháng trong 30 tháng đầu khi vay từ 5 năm trở lên.
Được biết trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14\% hoặc thậm chí cao hơn. Như vậy để có thể hoàn thành được mục tiêu này, việc các ngân hàng đẩy nhanh tín dụng ngay từ đầu năm là cách hợp lý giúp giảm tải áp lực cho thời điểm cuối năm.
Theo ý kiến đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, đây là cách hợp lý để các nhà băng có thể giảm tải được áp lực cho chính họ. Cũng theo vị này nếu như các ngân hàng cứ “bình chân như vại” và chờ các tháng cuối năm thì sẽ có rất nhiều ngân hàng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 12-14\% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.
Tuy nhiên để có thể đẩy mạnh được tín dụng ngay từ những ngày đầu năm thì các nhà băng cần phải mạnh tay giảm lãi suất. Bởi theo theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, đầu năm các doanh nghiệp thường có tâm lý ngại vay mượn thêm vào đó mùa kinh doanh chưa vào cao điểm nên tín dụng đầu năm thường khó được đẩy mạnh nếu như các nhà băng không mạnh tay giảm lãi suất sẽ chẳng có lý do gì để khuyến khích họ đầu tư và vay vốn.
Các ngân hàng ồ ạt chạy nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lãi suất ngay từ đầu năm 2015 để khuyến khích khách hàng vay vốn sớm. (Ảnh minh họa) |
5 lưu ý không thể bỏ qua cho người vay
Xem xét kỹ lãi suất công bố:
Để thu hút người vay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính liên tục cạnh tranh bằng các chương trình vay ưu đãi với lãi suất rất hấp dẫn. Tuy nhiên, khách hàng cần tìm hiểu kỹ xem đây là lãi suất tính theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu, thời gian ưu đãi là bao lâu, đối tượng khách hàng tham gia như thế nào để xác định có phù hợp tham gia hay không.
Đa phần khách vay ngân hàng thường chỉ quan tâm đến số tiền được vay và số tiền phải trả góp hàng kỳ tính theo lãi suất hiện tại mà quên rằng ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất theo định kỳ và việc theo dõi lãi suất sau điều chỉnh sẽ rất khó khăn cho khách hàng khi hầu như các ngân hàng đều không công bố lãi suất cho vay đang áp dụng .
Vì vậy, khi vay, bạn cần hỏi rõ cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng để chủ động hơn trong kế hoạch vay và trả nợ.
Trả lời câu hỏi về cách tính toán số tiền trả hàng tháng, một nhân viên ngân hàng tư vấn: “Khách đi vay không nên dồn hết thu nhập gia đình cho chi tiêu và trả nợ hàng tháng mà luôn phải dành lại khoảng 10 - 20\% thu nhập để dự phòng các phát sinh trong cuộc sống”.
Thời gian vay càng ngắn thì khoản phải trả càng cao và ngược lại, khách hàng nên lưu ý chọn thời gian vay để khoản phải trả hàng tháng không là áp lực. Nhân viên này cũng tư vấn thêm: “Với những khoản vay lớn như vay mua nhà, khách hàng nên vay thời gian dài”.
Khi vay tiền ngân hàng, người vay cần hỏi rõ cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng để chủ động hơn trong kế hoạch vay và trả nợ. (Ảnh minh họa). |
Thống nhất trước các khoản phí, khoản phạt:
Khi vay ngân hàng, thông thường, khách vay sẽ chịu các khoản phí công chứng, phí đăng ký giao dịch đảm bảo. Đối với khoản vay lớn, khách hàng sẽ chịu thêm phí thẩm định tài sản đảm bảo, mức phí cụ thể tùy vào giá trị tài sản đảm bảo. Nếu không được thông báo trước, đến khi làm thủ tục vay xong mới biết thì những khoản này có thể là “bất ngờ không thú vị” cho người đi vay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thường có phí phạt dao động từ 1-3\% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ quá hạn. Hãy thương lượng trước cả những khoản này, nhất là với những khách hàng vay thời gian dài.
Mặc dù việc không phải trả phí hoa hồng khi vay ngân hàng là hiển nhiên nhưng không phải ngân hàng nào cũng thực hiện được. Và vẫn luôn có không ít khách hàng đi vay phải bức xúc khi cán bộ tín dụng đặt vấn đề tiền hoa hồng cho khoản vay.
Lựa chọn chương trình cho vay ưu đãi:
Vay vốn đồng nghĩa với việc bạn phải chịu một khoản lãi suất nhất định các ngân hàng đưa ra. Chính vì thế, việc tìm kiếm những chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi rất quan trọng, bởi như vậy bạn đã giảm phần nào gánh nặng trả nợ cho bản thân, nhất là với những khoản vay lớn như vay mua nhà, vay vốn sản xuất kinh doanh…
Chọn thời hạn vay phù hợp:
Tuỳ vào thu nhập và số tiền vay mà bạn nên cân nhắc kỹ thời hạn vay vốn sao cho phù hợp nhất.
Nếu thu nhập thấp thì bạn nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng.
Chẳng hạn, khi vay 100 triệu đồng, nếu bạn vay trong một năm thì mỗi tháng sẽ trả dư nợ gốc khoảng 8,4 triệu đồng kèm với lãi. Nhưng nếu thu nhập của bạn thấp, có thể kéo dài thời hạn vay lên thành hai năm. Khi đó, mỗi tháng bạn chỉ phải trả khoản dư nợ gốc tầm 4,2 triệu đồng kèm với lãi.
Cân nhắc khả năng trả nợ:
Để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người vay nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40\% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ.