Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm với tỷ lệ gấp 8 lần so với Nga trong năm 2022 do hậu quả của cuộc xung đột.
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất về châu Âu và Trung Á, WB ước tính nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 35% vào năm 2022, trong khi đó mức giảm của Nga là 4,5%. Các ước tính trước đó cho thấy Điện Kremlin phải đối mặt với một tác động kinh tế lớn hơn trong năm nay, nhưng Ngân hàng Thế giới cho biết tác động của các lệnh trừng phạt cho đến nay ít nghiêm trọng hơn dự báo.
Kyiv đã có những bước tiến về quân sự trong những tuần gần đây, và kể từ tháng 4, nền kinh tế Ukraine đã có dấu hiệu tăng trưởng. Tuy nhiên, WB cho biết việc phục hồi sẽ chậm và chi phí sửa chữa những thiệt hại do chiến dịch quân sự sẽ rất lớn. Trong đó, cơ quan ước tính chi phí tối thiểu là 349 tỷ USD - gấp rưỡi tổng sản phẩm quốc nội của đất Ukraine trước xung đột.
Từ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2 vừa qua, Ukraine vốn đã là quốc gia nghèo nhất châu Âu. Trong 7 tháng xung đột, khoảng 1/3 dân số nước này đã phải di dời, khoảng 60% dân số đang sống ở dưới mức nghèo.
Bà Anna Bjerde, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Châu Âu và Trung Á, nhận xét: "Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất và gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và kinh tế. Ukraine sẽ cần được tiếp tục hỗ trợ tài chính khi xung đột tiếp diễn, cũng như để các dự án phục hồi và tái thiết có thể nhanh chóng được bắt đầu".
Lạm phát ở Ukraine đã tăng lên nhanh chóng. Tính tới tháng 4, lạm phát tại nước này đã đạt tỷ lệ 24%.
Hậu quả của cuộc xung đột được cho là sẽ còn kéo dài. Trong đó, nền kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu do phá hủy khả năng sản xuất, thiệt hại về đất canh tác và giảm cung lao động. Nguy cơ người tị nạn không quay trở lại ngày càng cao, khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 8 và những người tị nạn đang tìm đường ở lại các quốc gia khác.
WB cũng nhận định các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga cũng đang gây ra tác động bất lợi về kinh tế. Báo cáo WB nêu: "Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga đang gây ra những tác động kinh tế bất lợi, mặc dù ít nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn so với dự kiến ban đầu".
Ngân hàng Thế giới cho biết việc đóng băng một nửa dự trữ quốc tế của Nga và doanh thu từ dầu khí trong nước yếu hơn đã giúp nước này dễ bị tổn thương hơn khi giá năng lượng toàn cầu giảm. Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh: "Các biện pháp trừng phạt đã khiến tổng sản phẩm nhập khẩu của Nga giảm đáng kể, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và thiết bị mới cũng như nguồn tài chính bên ngoài, do đó làm giảm triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn".
Minh Hạnh (Theo Guardian)