Tốt nghiệp tài chính ngân hàng bằng giỏi được 4 năm, đã chuyển sang làm truyền thông từ lâu nhưng mới đây Quỳnh nhận được tin nhắn một ngân hàng mời ứng tuyển.
Nhận tấm bằng giỏi ngành tài chính ngân hàng của Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2010 nhưng Quỳnh (27 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) lại bỏ ý định gắn bó với ngành và lâu nay vẫn công tác yên ổn tại một công ty truyền thông. Tuy nhiên, gần đây cô rất bất ngờ khi lại nhận được những tin nhắn rác thông báo tuyển dụng từ các nhà băng.
Tin nhắn mới nhất Quỳnh nhận được có nội dung như sau: "Ngân hàng đang tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và rất nhiều vị trí khác. Hãy gia nhập và gây dựng thành công của bạn tại ngân hàng...".
Không riêng Quỳnh, rất nhiều cựu sinh viên ngành tài chính khác gần đây cũng bắt đầu nhận những tin nhắn hàng loạt kiểu này từ các nhà băng. Tự lý giải về hiện tượng này, Quỳnh cho rằng có thể nhân sự các ngân hàng lấy số điện thoại và thông tin từ những công ty tuyển dụng mà trước đây họ nộp CV. "Cũng không loại trừ họ lấy thông tin từ các trường học, nơi tụi mình tốt nghiệp để sàng lọc học lực trước khi đưa vào danh sách nhận tin nhắn", Quỳnh nói.
Một tin nhắn được các ngân hàng gửi hàng loạt để tuyển ứng viên. Ảnh: Ngân Hà. |
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng này đang thể hiện rõ nhất việc ngân hàng chật vật tìm người - trái ngược với đợt đua tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự trước đây. Vụ Dự báo Thống kê Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đưa ra kết quả điều tra cho thấy phần lớn các nhà băng khẳng định sẽ tuyển thêm người sau một vài năm liên tục "trảm" nhân sự.
Tuy nhiên, nhân viên kinh doanh, quan hệ khách hàng... mới là những vị trí các nhà băng đang thiếu nhất hiện nay. Trao đổi với PV, đại diện bộ phận nhân sự của một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội thừa nhận đây là một trong những cách nhiều đơn vị làm để có được những ứng viên tốt, đặc biệt trong bối cảnh các vị trí như quan hệ khách hàng có quá nhiều biến động và khó tuyển.
Tuy nhiên, họ cũng sẽ tìm cách để sàng lọc trước những ứng viên có kết quả học tập tốt hoặc đã từng làm trong các công ty, tổ chức về dịch vụ tài chính. Vị cán bộ này nói thêm, quan hệ khách hàng, bản chất là vị trí như sales, áp lực về chỉ tiêu và doanh số rất lớn nên vô cùng khó tuyển.
Theo các công ty tuyển dụng, lương của một nhân viên quan hệ khách hàng tại các nhà băng cũng dao động khá lớn từ 3,4 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng, phụ thuộc nhiều vào doanh số mỗi tháng. Công việc chính có thể là tìm kiếm và khai thác các dịch vụ có thể từ khách hàng đó như: Cho vay, mở sổ tiết kiệm hay mở tài khoản giao dịch...
"Nghề này đòi hỏi bạn phải khá năng động, biết cách tạo mối quan hệ và đặc biệt là chịu được áp lực của công việc. Tuy nhiên, đây là cũng là vị trí mà lượng nhân sự ra - vào tại các nhà băng chiếm tỷ trọng cao nhất", đại diện một công ty cho biết.
Từng chia sẻ về nỗi chật vật của các nhà băng trong việc tuyển người gần đây, bà Đào Chân Phương, Tổng giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) - cũng nhận định, vị trí như Sales những tưởng dễ lại rất khó tuyển. Bà kể, có những ngân hàng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần "tốt nghiệp cao đẳng, có hiểu biết về tài chính ngân hàng đã là một lợi thế' mà vẫn không tuyển nổi.
Trên thực tế, việc các ngân hàng ồ ạt tuyển người trở lại có thể cũng là cơ hội để những người như Quỳnh, cô cử nhân bằng giỏi ngày nào có thể trở lại làm việc ở đúng ngành mà mình đã học. Tuy nhiên, với một người đã đi làm vài năm, riêng việc chấp nhận mức lương không cao trong khi áp lực doanh số lớn có thể sẽ là một trở ngại khiến họ e dè.