Các trường hợp giả danh công an, tòa án rồi gọi điện liên lạc với người dân để lợi dụng đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng.
Trao đổi với Tiền phong ngày 11/6, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn, cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án.
Theo đó, gần đây tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP (gọi thoại qua mạng internet thay vì các cuộc gọi qua di động, điện thoại bàn thông thường) mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án có dấu hiệu phức tạp trở lại, với phương thức và thủ đoạn mới.
Tình hình tội phạm đánh cắp thông tin tài khoản của người dùng dịch vụ ngân hàng có nhiều diễn biến mới. Ảnh minh họa |
Các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu người dân ra một ngân hàng khác để mở tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking nhưng bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo. Sau đó, các đối tượng đăng nhập chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking và chiếm đoạt tiền.
Trước những diễn biến phức tạp với thủ đoạn lừa đảo mới, NHNN chi nhánh TP.HCM đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới với cán bộ, nhân viên và khách hàng để chủ động phòng ngừa, rủi ro có thể xảy ra.
Trường hợp khách hàng có đăng ký dịch vụ Internet Banking, nhân viên ngân hàng cần trao đổi, hỏi rõ số điện thoại đăng ký dịch vụ này có phải thuê bao khách hàng đang sử dụng hay không, để kịp thời cảnh báo và đề nghị không thực hiện giao dịch chuyển tiền nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu đề xuất giải pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các vụ việc lừa đảo, tránh để xảy ra tổn thất, mất an toàn hoạt động.
Vũ Đậu (T/h)