(ĐSPL) – Theo nhận định của ngân hàng HSBC, việc giảm lãi suất có thể khiến người gửi tiết kiệm sẽ hướng đến các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế.
Tâm lý người dân đang cân nhắc và câu hỏi đưa ra là đầu tư vào đâu sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
Tiếp tục gửi ngân hàng vì an toàn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nhưng một số kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, bất động sản có lãi cao nhưng bấp bênh, nhiều rủi ro. Người dân gửi tiết kiệm vẫn chọn ngân hàng là kênh đầu tư an toàn.
Hiện dòng tiền gửi đang có sự chuyển dịch từ ngắn hạn sang trung và dài hạn. Nhất là khi Chính phủ đang kiểm soát lạm phát ở mức 6\%, do đó việc chuyển sang lãi suất có kỳ hạn dài hơn sẽ là lựa chọn đối với khách hàng cá nhân.
Tại nhiều ngân hàng, đối với khách hàng là cá nhân có tiền nhàn rỗi, mức lãi suất trên sáu tháng từ 6,5\% - 8\%. Đối với khách hàng là tổ chức, do nhu cầu của hoạt động thanh toán liên tục, các tổ tức không có sự lựa chọn nào tốt hơn và an toàn hơn là gửi qua ngân hàng với kỳ hạn ngắn hoặc không kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản của tổ chức và sinh lời.
TSNguyễn Minh Phong cho rằng: “Hiện người tiêu dùng cũng chưa mạnh dạn rút tiền ra để đầu tư những khoản khác, cơ bản tôi tin rằng hạ lãi suất cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn tiền gửi” như vậy ngân hàng vẫn là nơi trú an an toàn và chắc chắn có lãi.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh và nóng
Ngay sau khi quyết định hạ lãi suất của ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, thị trường chứng khoán trong nước đang có dấu hiệu nóng dần trong thời gian qua.
Theo đó, tuần từ ngày 10 - 14/03/2014, VN-Index tăng điểm trở lại trong tuần giao dịch qua với mức tăng 2.95\% lên 596.83 điểm, HNX-Index cũng tăng 2.76\% lên 84.43 điểm; trong khi VS 100 tăng 3.39\% lên 99.01 điểm và VN30 tăng 3.75\% lên 669.7 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt 156,629,101 cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 2.588 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường tốt giá trị giao dịch đạt trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên.
Ngày 17/03/2014, VnIndex đã đạt phiên tăng thứ 9 liên tiếp và điều đặc biệt là ngưỡng 600 điểm, dòng tiền đổ vào thì trường lớn, thanh khoản tốt giá trị giao dịch tăng cao đạt 4.700 tỷ đồng.
Thị trường tăng điểm mạnh và nóng kèm theo sự cải thiện rõ rệt của thanh khoản trong hai tháng đầu năm dòng tiền đổ và thị trường lớn, trong bối cảnh nền kinh tế ổn định và triển vọng phục hồi tốt hơn.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng trưởng 20\%. Đặc biệt, giá khá nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trưởng “phi mã” 200-400\%, nhiều nhà đầu tư đã hốt bạc tỷ trong gần 3 tháng qua.
Theo các nhà môi giới chứng khoán. Chứng khoán và lãi suất có liên quan chặt chẽ với nhau, lãi suất giảm thì chứng khoán sẽ lên, vìlãi suất giảm sẽ làm cho mức định giá dựa trên dòng tiền tự do hấp dẫn hơn, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vào một tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn. Về mặt kỹ thuật, họ sẽ chấp nhận tỷ lệ chiết khấu dòng tiền, do đó mức định giá cổ phiếu hoặc cổ phần hấp dẫn hơn.
Cũng theo một số nhà môi giới này, trong năm nay, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn sinh lời cao nhất, nhưng tâm lý các nhà đầu tư cũng khá thận trọng.
Trong cuộc họp báo chiều 17/3, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, khi lãi suất giảm “Dòng tiền chuyển sang chứng khoán, bất động sản là phản ứng bình thường của thị trường mỗi khi lãi suất huy động giảm”.
Thị trường bất động sản đang ấm dần lên
Sau chứng khoán, thị trường bất động sản đang dần sôi động trở lại. Bộ Xây dựng đánh giá, sang đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Dòng tiền đổ vào chứng khoán, sớm muộn cũng dồn vào một mối sau đó lại chảy sang bất động sản”.
Hiện giá bất động sản đang ở mức từ 10 - 15 triệu/m2, đây là mức giá giảm khá sâu và tương đối phù hợp với đại đa số người dân. Hiện, một số dự án ở phân khúc giá rẻ như Kim Văn - Kim Lũ, VP5 Linh Đàm, Đại Thanh (Hà Nội), 8X Đầm Sen (TP.HCM), đang giúp thị trường ấm dần lên.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong hai tháng đầu năm 2014, tại Hà Nội đã có gần 1.300 căn hộ được giao dịch thành công và tại Tp.HCM là 1.000 căn. Tính đến ngày 25/02/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (giảm 1,87\%) so với tháng 12/2013.
Một yếu tố không nhỏ ngoài lãi suất, góp phần phá băng thị trường bất động sản trong nước, đó là gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm hỗ trợ người mua nhà phân khúc xã hội và thương mại giá rẻ.
Trong 2 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 176 triệu USD, chiếm gần 45\% tổng vốn.
Bất động sản đang ấm dân lên, các nhà đầu tư dần trở lại với thị trường không chỉ ở phân khúc nhà giá rẻ. Điều đó chứng tỏ, việc đầu tư đã thu được lợi nhuận khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu sôi động, sau một thời gian dài chững lại.