Vào dịp cuối năm, nhiều ngân hàng tăng lãi suất do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn cao khi đến chu kỳ cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi sản xuất sau giai đoạn dịch bệnh và bắt đầu cần vốn để kinh doanh.
Một yếu tố khác khiến nhiều ngân hàng tăng lãi suất là do những nhà băng này vừa được nới chỉ tiêu tín dụng lên khá cao. Để cân đối nguồn vốn, các ngân hàng này đẩy mạnh lợi thế thế thu hút khách hàng, nhất là các khách hàng có số tiền gửi lớn.
Cụ thể, Techcombank đã nâng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank đã tăng mạnh lên 4,9%/năm, cao hơn các kỳ hạn dưới 36 tháng (là 4,8%/năm). Đáng chú ý, gửi tiết kiệm online sẽ được cộng thêm 0,4%/năm so với gửi thông thường tại quầy.
Thời điểm này, không chỉ Techcombank tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đẩy lãi suất nhích cao hơn hẳn so với cuối tháng 11 và thời điểm đầu tháng 12 này.
GPBank đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn, trong đó, cao nhất là mức 6,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn; VPBank tăng lãi suất gửi tiết kiệm online thêm 0,4-0,8%/năm ở một số kỳ hạn…
Trên thực tế, lãi suất huy động đã nhích lên từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 nhưng mức tăng không nhiều, chủ yếu để giữ chân khách hàng đảo kỳ hạn nhưng sang tháng 12 lãi mức tăng của lãi suất huy động đã cao hơn.
Đối với lượng tiền gửi lớn, nhiều ngân hàng giữ mức lãi suất cao nhất hơn 7%/năm. Cụ thể, Techcombank duy trì 7,1%/năm cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
Cùng niêm yết lãi suất cao nhất 7,1%/năm tháng 12 này còn có ACB dành cho khoản tiết kiệm tiền gửi từ 30 tỷ đồng,
Ngoài Techcombank và ACB, một số ngân hàng khác cũng đang huy động lãi suất sát nút 7%/năm là MSB 6,99%/năm cho khoản tiền gửi 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng; MBBank huy động với lãi suất lần lượt là 6,90% cho khách hàng gửi tiết kiệm 24 tháng, từ 200 đến dưới 300 tỷ đồng; HDBank huy động 6,85%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Tại một khía cạnh khác, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu chi trả thanh toán của người dân tăng cao. Tỷ giá USD/VND tăng cao, kênh mua bán ngoại tệ không thể bơm thêm tiền Đồng mới, càng khiến thanh khoản hệ thống chịu thêm áp lực.
Trong tuần vừa qua, lãi suất VND liên ngân hàng tăng 0,05-0,06 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước.
Hiện tại, để chủ động đề phòng rủi ro thanh khoản, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu triển khai hàng loạt chương trình hút tiền gửi thông qua việc nâng biểu lãi suất tiết kiệm hay có những phần quà tri ân cho khách hàng gửi tiền.
Bạch Hiền (t/h)