(ĐSPL) - Đầu ra tín dụng đang gặp khó, khách hàng là doanh nghiệp có tiềm năng không nhiều, các ngân hàng đành ngậm ngùi bỏ những gói tín dụng lớn, chuyển sang đẩy mạnh gói tín dụng nhỏ lẻ hướng vào cho vay cá nhân, vay tiêu dùng.
Đẩy mạnh vay tiêu dùng
Tình hình sản xuất khó khăn, thay vì chạy theo những tổng công ty, tập đoàn, hay doanh nghiệp với gói cho vay cả chục tỷ đồng, nhiều ngân hàng đang hướng mục tiêu vào khách hàng cá nhân, với khoản vay vài chục, vài trăm triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển hướng cho vay này giống như hình thức nhặt bạc lẻ của các ngân hàng.
Trong hơn hai năm qua, với nhiều nỗ lực, các ngân hàng vẫn không thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là trong quý 1/2014, hoạt động sản xuất chưa được đẩy mạnh, doanh nghiệp tốt có tiềm năng ít, doanh nghiệp cần vốn thì không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để được cho vay, nếu nới lỏng các kiều kiện cho vay thì ngân hàng sợ rủi ro nợ xấu. Thêm nữa, có những doanh nghiệp tốt cũng không muốn đi vay, sản xuất bằng vốn tự thân vì sức cầu nền kinh tế chưa cao, đầu ra cho sản phẩm chậm.
Trước tình hình đó của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay lĩnh vực tiêu dùng, đây là mức cho vay không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh, chỉ dựa vào mức thu nhập hàng tháng hiện phổ biến từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
|
Các ngân hàng đang tập trung vào gói tín dụng nhỏ lẻ hướng vào cho vay cá nhân, vay tiêu dùng.
|
Tính từ sau Tết 2014, các ngân hàng thương mại, đã đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng hấp dẫn, có thể điểm qua như: Tại Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) và Ngân hàng ANZ là 500 triệu đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) số tiền khách hàng được vay tiêu dùng tối đa 200 triệu đồng, tại một số ngân hàng khác là 300 triệu đồng.
Cùng là tín dụng kiểu nhỏ lẻ, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Thẻ tín dụng còn được mời chào với rất nhiều chương trình khuyến mại, tỷ lệ chiết khấu cao bởi các liên kết, hợp tác chiến lược với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Hết mời chào qua điện thoại, có những ngân hàng, còn cho nhân viên tới tận các chợ và hộ kinh doanh để mời chào khoản các khoản vay ngắn hạn, từ vài chục hay đến vài trăm triệu đồng.
"Tiềm năng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn lớn!"
Anh Hiếu, cán bộ tín dụng của một ngân hàng cho hay: “Trước nhân viên tín dụng chủ yếu mời khách mở tài khoản, gửi tiền vào ngân hàng, giờ ngược lại, lại mời cho vay. Doanh nghiệp thì họ từ chối với lý do sản xuất đang khó khăn, nên chúng tôi chủ yếu đẩy mạnh mời các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng ..nhưng cũng không được khả quan, vì đầu năm nhu cầu mua sắm không nhiều”.
Còn chị Phương Thoa, cán bộ một cơ quan nhà nước cũng cho biết “Không hiểu nhân viên ngân hàng lấy số điện thoại của tôi ở đâu, mà từ qua Tết đến giờ, thi thoảng lại có cuộc gọi của nhân viên ngân hàng gọi tới mời vay vốn, tôi không có nhu cầu nên thấy rất phiền”.
Doanh nghiệp không mặn mà đi vay nên hiện cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng đánh giá là sản phẩm chủ đạo. Đại diện Sacombank, cho biết “Cho vay tiêu dùng, là mục tiêu của Sacombank trong năm 2014".
Theo đánh của Phó TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Cấn Văn Lực : “Tiềm năng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn lớn, đặc điểm dân số Việt Nam khá trẻ, chủ yếu ở độ tuổi có nhiều nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, bên cạnh đó lượng người dân ở tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đó là cơ sở để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, thời điển hiện nay, việc đẩy mạnh cho cho vay tiêu dùng của các ngân hàng cũng đang vẫn ì ạch như gói cho vay của các doanh nghiệp. Trong tình hình kinh tế khó khăn, mọi chi tiêu đang được người dân thắt chặt lại thì đầu ra cho tín dụng cá nhân vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-dang-nhat-bac-le-a28215.html