Trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có tới hơn 6 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, dẫn đầu là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ. Ảnh minh họa |
Theo số liệu tổng hợp từ sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành lên tới 156.000 tỷ đồng trái phiếu (hơn 6 tỷ USD), tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu sôi động trở lại kể từ quý 2/2020.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ lệ phát hành thành công sau 6 tháng đầu năm 2020 là khoảng 69% so với 67% của cả năm 2019. Tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 5 năm tăng mạnh khi chiếm hơn 60% so với khoảng 46% của cả năm 2019.
Trong khi đó kỳ hạn ngắn dưới 3 năm ghi nhận tỷ trọng giảm xuống còn hơn 20%.
Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất. Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành thành công hơn 43.300 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 4,55 năm; các doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công hơn 45.500 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 3,84 năm.
Ngân hàng đứng đầu về phát hành trái phiếu trong 6 tháng có thể kể đến BIDV, HDBank, VPBank, TPBank.
Cụ thể, BIDV đã phát hành thành công hơn 16.600 tỷ đồng với tổng cộng 34 đợt phát hành. HDBank huy động được 10.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, VPBank 7.000 tỷ đồng...
Xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thừa tiền khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn và Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng thanh khoản trên thị trường mở.
Ở khía cạnh lãi suất, lãi suất danh nghĩa cho sản phẩm tương tự như năm 2019 biến động khá trái chiều ở từng doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung có thể nhận thấy là trái phiếu của nhóm ngân hàng có lãi suất giảm so với sản phẩm tương tự của năm 2019. Mục đích của nhóm này đa phần là phát hành để tăng vốn cấp hai khi trái phiếu thường có kỳ hạn dài và không tài sản đảm bảo.
Dù nhóm ngân hàng chiếm thế thượng phong về phát hành trái phiếu trong quý II với tỉ trọng giá trị phát hành lên tới 45%, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, nhóm bất động sản vẫn nhỉnh hơn nhóm ngân hàng trong lĩnh vực này.
Khi nguồn vốn vay từ ngân hàng cho bất động sản ngày càng bị siết chặt, thị trường trái phiếu càng được xem là một trong những kênh vốn quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành nhằm giải quyết bài toán vốn.
Trái ngược với nhóm ngân hàng thì một số doanh nghiệp bất động sản như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) lại ghi nhận lãi suất cao hơn so với năm 2019.
Đất Xanh đề nghị lãi suất cố định thì Kinh Bắc thêm vào cả lãi suất thả nổi sau một năm đầu tiên phát hành cho kỳ hạn 2 năm.
Theo nhận định của VDSC, trong bối cảnh tín dụng chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ vào thời điểm cuối tháng 6, số lượng trái phiếu phát hành tăng đến hơn 30% cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, giá trị phát hành trong nửa cuối năm nay sẽ giảm so với nửa đầu năm do Nghị định 81 vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Điểm nhấn chính từ Nghị định mới này khiến cho việc phát hành sau tháng 9 bị ảnh hưởng nặng là việc đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành liền trước 6 tháng.
Do đó, theo các chuyên gia, nhiều khả năng, khối lượng phát hành trái phiếu sẽ tăng mạnh từ nay tới trước khi Nghị định 81 có hiệu lực.
Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp bất động sản phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu. |
Bạch Hiền (t/h)