+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng ACB muốn huy động thêm 15.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu

    (ĐS&PL) - Ngân hàng ACB có kế hoạch chào bán trái phiếu trong đợt 2 với quy mô 150.000 trái phiếu, dự kiến phát hành trong 15 đợt với tổng giá trị lên đến 15.000 tỷ đồng.

    Theo An ninh Tiền tệ, hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.

    Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu trong 15 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.

    Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường.

    Trước đó, ngân hàng này đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 23.700 tỷ đồng trong chưa đầy 2 tháng. Ảnh minh họa

    Trước đó, ngân hàng này đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 23.700 tỷ đồng trong chưa đầy 2 tháng. Ảnh minh họa

    Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thanh toán lãi định kỳ với hình thức trả sau, 12 tháng một lần.

    Theo ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Được biết, ACB là một trong những ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo dữ liệu của HNX, trong khoảng thời gian 13/6 - 1/8, ngân hàng này đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 23.700 tỷ đồng.

    Mới đây, ngân hàng ACB đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

    Theo đó, ngân hàng ACB đang có 2 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông là tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.

    Cụ thể, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB đang sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 3,427%. Số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến ông Huy là 367 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ là 8,218%. Như vậy, ông Trần Hùng Huy và nhóm người có liên quan đang sở hữu hơn 520 triệu cổ phiếu, tương đương gần 12% vốn điều lệ tại ACB.

    Về phía cổ đông cá nhân còn có bà Đặng Thu Thủy, Thành viên Hội đồng quản trị cũng đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,194%. Được biết, bà Thủy chính là mẹ của ông Trần Hùng Huy. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thủy là 10,457%.

    Bên cạnh đó, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tổng tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ của ngân hàng.

    Về tình hình kinh doanh, ngân hàng ACB đã công bố kết quả lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận quý 2 đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với quý trước và tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của ACB.

    ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống (6%), với cho vay cá nhân tăng 12,3%, cho vay SME tăng 7,2%, và cho vay doanh nghiệp tăng 37,6%.

    Về tiền gửi, ACB tăng trưởng 6,2%, vượt mức trung bình toàn hệ thống (2%), và tỷ lệ CASA giữ ở 22,3%. Tỷ lệ cho vay/huy động đạt 82,2%, cao hơn mức trung bình ngành (78,7%).

    Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu ACB hiện đang giao dịch quanh mức 23.450 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng trên thị trường ước đạt gần 105.000 tỷ đồng.

    Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Vietcap đã xếp ACB vào nhóm cổ phiếu lựa chọn hàng đầu. Bởi đây là ngân hàng tư nhân thận trọng nhất tại Việt Nam, tập trung vào các khoản cho vay bán lẻ và SME và mức độ rủi ro thấp với các nhà phát triển bất động sản. Cơ sở khách hàng trung thành và sự hiện diện rộng rãi ở khu vực phía Nam góp phần huy động vốn với chi phí thấp. Lợi thế này giúp ACB có thể đưa ra lãi suất cho vay cạnh tranh và đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong số các ngân hàng Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, thông tin trên Tạp chí Thương Gia.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-hang-acb-muon-huy-ong-them-15-000-ty-ong-tu-phat-hanh-trai-phieu-a454904.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan