9 năm qua kể từ ngày mẹ bỏ đi, cậu bé Hoàng Minh Quân (SN 2008) lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của ông nội. Nhưng giờ đây, sức khỏe của ông Hoàng Văn Tình (ông nội của Quân) ngày một yếu đi, ông lo lắng rồi mai đây ai sẽ là người giúp ông chăm sóc đứa cháu tội nghiệp mang trong mình căn bệnh bẩm sinh.
Bé 2 tháng tuổi đổ bệnh, mẹ đột ngột bỏ đi
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội liên tục truyền tay nhau hình ảnh cậu bé thân thể bong tróc, đỏ ửng ngồi trên chiếc ghế ăn tạm cái bánh mỳ khô khốc để chờ làm thủ tục thăm khám bệnh.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tình (SN 1957, dân tộc Tày, thôn Liên Hợp, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) không giấu nổi nỗi buồn khi nghĩ đến bệnh tình của cháu nội.
Kể từ khi con dâu bỏ đi, ông Tình là người chăm sóc chính cho bé Quân. |
Ông Tình kể, ngày còn trẻ ông có tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi trở về quê vì gia đình khó khăn nên ông không học tiếp mà ở nhà làm ruộng, sau đó cưới vợ. Cuộc sống gia đình ông khá hạnh phúc khi sinh được 5 mặt con (2 trai và 3 gái - PV), tới nay tất cả đều đã yên bề gia thất. Duy chỉ có người con trai cả là khiến vợ chồng ông phiền lòng nhất.
Ông Tình buồn bã nói: “Con trai cả của tôi tên Hoàng Văn Đ.. Năm nay Đ. 36 tuổi nhưng tôi chưa khi nào không phải lo cho con. Bởi, trong số những đứa con tôi sinh ra thì con chậm chạp nhất và đầu óc không được thông minh như người bình thường. Năm 2007, nó cưới một cô gái cùng xã, khác thôn. Ai cũng mừng vì nghĩ nó khó lấy được vợ, nhưng cũng từ ngày đó, biến cố liên tiếp xảy ra. Sau khi nó lập gia đình, vợ tôi đột ngột qua đời”.
Năm 2008, con dâu ông Tình hạ sinh bé trai đầu lòng. Khi vừa chào đời, thấy da dẻ của con sần sùi khác lạ, 2 tháng sau đó, mẹ cháu bỏ con mà đi. Ông Tình nghẹn ngào: “Tôi sống cùng vợ chồng thằng cả, nhưng sau khi vợ nó sinh con ra nhìn thấy cơ thể con bệnh tật, có lẽ vì quá sợ hãi nên con dâu tôi đã bỏ đi mà không nói một lời nào. Khi ấy tôi buồn lắm, phần thương cháu nhỏ, phần giận con dâu”.
“Người mẹ” bất đắc dĩ
Từ ngày con dâu bỏ chồng con đi, ông Hoàng Văn Tình là người đứng ra chăm sóc cả con trai lẫn cháu. Nhìn đứa cháu còn đỏ hỏn thiếu hơi ấm của mẹ, bao đêm ông rơi nước mắt.
“Gia đình tôi hiện tại có 3 người đàn ông, con trai thì bệnh tật, cháu còn nhỏ nên mình tôi cáng đáng hết. Trước đây, khi mẹ cháu mới bỏ đi, tôi tìm đến những mẹ nuôi con nhỏ để xin sữa cho cháu. Ban đầu, vì cháu đang quen hơi sữa của mẹ không chịu bú, cứ cho bình vào miệng là cháu khóc, tôi đã phải bế và nựng cháu mãi rồi dần dần cháu cũng quen với việc bú bình. Nhưng rồi nhờ mãi cũng phiền, tôi đành tập cho cháu uống sữa ngoài. Mới đầu, cháu không chịu bú, quấy khóc, bỏ ăn,... Việc nuôi con mọn vất vả, nhưng giờ tôi đã dần quen”, ông Tình chia sẻ.
Với ông Tình, khoảng thời gian chăm sóc cháu từng bữa ăn, giấc ngủ đó có lẽ là khoảng thời gian ông không thể nào quên được.
Cậu bé Hoàng Minh Quân lớn dần trong tình yêu của ông nội, nhưng ngặt nỗi, càng lớn lớp da trên người bé bị đóng vảy rồi bong tróc, mưng mủ, đau đớn. Ông Tình đưa cháu đi khám và được chẩn đoán bị bệnh vảy cá bẩm sinh.
Ông nói: “Bác sĩ nói căn bệnh của cháu tôi phải sống như vậy cả đời, mỗi lần thời tiết thay đổi, vỡ mủ ra là cháu lại khóc lóc vì đau đớn. Tôi thấy thương cháu quá nhưng biết làm thế nào được đây?”.
Gần đây, ông Tình có đưa bé Quân xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái thăm khám do bé có biểu hiện bị vỡ mủ và thường xuyên kêu đau. Bác sĩ Phạm Hữu Thanh, Phó khoa Da liễu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết bệnh của bé Quân đang diễn biến phức tạp.
“Căn bệnh mà cháu Hoàng Minh Quân mắc phải là bệnh vảy cá bẩm sinh bội nhiễm (nhiễm trùng mới – PV). Bệnh nhân có biểu hiện nổi mụn nước, khi các mụn nước vỡ ra để lại một lớp da khô cứng như sừng, da co lại khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Bệnh nhân đã được các bác sĩ cắt bỏ phần hoại tử trên đầu và mặt, dùng kháng sinh chống viêm, bạt sừng, bong vảy, dưỡng ẩm cho da của cháu”, bác sĩ Thanh cho biết.
Cũng theo lời của bác sĩ Phạm Hữu Thanh, đây là trường hợp bệnh vảy cá bẩm sinh đầu tiên được phát hiện tại Yên Bái và là bệnh hiếm gặp, bệnh nhân sẽ phải điều trị cả đời. Nhìn cháu đau đớn, ông Tình không giấu nổi những giọt nước mắt. Ông chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi cho cháu đi học lớp mẫu giáo, thế nhưng cứ đến lớp là bạn bè tránh xa, có những bạn nghỉ học. Vì thế, tôi đành cho cháu ở nhà, từ đó đến nay cháu sống khép mình, không giao du với ai”.
Nói về hoàn cảnh của gia đình mình, ông Tình buồn bã: “Gia đình tôi chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên không dư dả. Từ khi biết cháu bị mắc bệnh bẩm sinh, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cho cháu hằng tháng”.
Khi được hỏi về người con dâu, ông Tình trăn trở: “Dù vợ của con trai tôi không được nhanh nhẹn nhưng cũng đủ nhận thức. Vậy mà, con mình dứt ruột đẻ ra cũng không đoái hoài gì, gia đình bên nhà vợ cũng không hỏi thăm cháu lấy một lần, dù nhà cũng gần nhau”.
Đối với ông Tình, hiện tại ông chỉ mong sao đứa cháu trai bé bỏng tội nghiệp được chữa khỏi bệnh, không phải chịu đau đớn hàng ngày và được sống như một đứa trẻ bình thường, được đến lớp mà không phải lo lắng ánh mắt sợ hãi của bạn bè.
Về phần anh Đ., thời gian vợ bỏ đi, anh cũng đi làm thuê ở Quảng Ninh, mỗi năm chỉ về thăm nhà 1-2 lần. Nhưng mới đây, anh vừa bị tai nạn và phải nằm ở nhà để điều trị, mọi gánh nặng của hai cha con đè hết lên đôi vai gầy của ông Tình. |
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Hà Minh Hào (trưởng thôn Liên Hợp, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) xác nhận: “Gia đình cháu Hoàng Minh Quân thuộc diện đặc biệt khó khăn trong thôn, mọi sinh hoạt của cháu đều do một tay ông nội chăm sóc. Khi mẹ cháu Quân sinh được gần 2 tháng thì bỏ đi, còn bố của cháu thì từ nhỏ không được nhanh nhẹn, ngờ nghệch, ít giao tiếp với người ngoài. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng có làm chính sách bảo trợ xã hội cho cháu Quân được 675.000 đồng/tháng”. |
Hoàng Bích