Bốn năm về trước, khi đang là học sinh lớp 11 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội, cậu học trò Nguyễn Đức Bình (SN 1995) bỗng mắc căn bệnh lạ. Bố mẹ em đã đưa con đi cả 9 bệnh viện lớn ở miền Bắc cũng như cầu cứu khắp các thầy thuốc giỏi ở nhiều địa phương nhưng không ai gọi tên được cụ thể căn bệnh mà em mắc phải.
Tìm đến nhà cậu học trò Nguyễn Đức Bình, thôn Vệ Sơn Đông, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội vào một ngày giữa tháng 2/2017. PV báo ĐS&PL bị ám ảnh bởi căn bệnh đang hàng giờ, hàng ngày hành hạ chàng trai Nguyễn Đức Bình.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Văn Yên (SN 1974, bố của Bình) cho biết gia đình anh có hai người con, Bình là con cả trong nhà, vì nhà nông nên sau những giờ học tập trên lớp Bình lại trở về nhà phụ giúp bố mẹ.
Mẹ Bình bật khóc khi nghĩ về bệnh tình của con. |
Thế nhưng, khi bước sang lớp 11, Bình bỗng dưng mắc căn bệnh lạ, chân tay co quắp, miệng méo, cơ thể không cử động được. Từ đây, việc học hành dang dở, tương lai bỗng dưng mờ mịt. Thương con, thời gian đầu, bố mẹ Bình tất tả ngược xuôi đưa con trai đi chạy chữa.
Anh Yên nghẹn ngào: “Phận làm cha làm mẹ, bỗng thấy con bị co gân, vẹo xương, teo thịt mà không rõ nguyên nhân chúng tôi xót xa lắm chứ. Tôi cùng vợ đã đưa con đi thăm khám tại 9 bệnh viện lớn ở khắp miền Bắc, tìm đến cả những thầy thuốc Đông y nhưng đều không gọi được chính xác tên bệnh mà con tôi đang mắc phải”.
Bất lực vì không tìm được bệnh của con, bố mẹ Bình đưa con trai về nhà tự chăm sóc. Hàng ngày, Bình ngồi rầu rĩ trên chiếc xe lăn, nhìn ra cửa. Còn bố mẹ Bình ngoài công việc đồng áng, cố gắng làm thêm kiếm tiền chữa bệnh cho con trai. Dù thế, sau 4 năm chống chọi với căn bệnh lạ, bệnh tình của Bình không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà còn biến chuyển rất nặng. Và hiện tại, em không thể gắn bó với chiếc xe lăn mà chỉ nằm một chỗ trên giường, Mọi ăn uống, sinh hoạt đều do mẹ em hỗ trợ.
Thân hình gầy yếu, vẹo vọ và gần như bất động của Bình khiến bất cứ ai đến thăm em cũng đều xót xa. Mặc dù vẫn giữ được khả năng nhận thức, nhưng Bình không thể tự mình di chuyển, thế giới của em chỉ là chiếc giường đơn ọp ẹp trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chật hẹp nằm giáp cánh đồng. Bỏ lại những ước mơ còn dang dở, rời xa cơ hội trải nghiệm để trưởng thành, giờ đây, cuộc sống của Bình chỉ còn lại trong bóng tối và những cơn đau triền miên.
Theo lời chia sẻ của bố Bình, kể từ khi biết Bình mắc bệnh lạ, chính quyền địa phương cũng đã có những hỗ trợ nhất định. Bình thuộc diện người khuyết tật, gia đình cũng thuộc diện khó khăn. Thế nhưng, số tiền đó chẳng đáng là bao so với tiền thuốc men chữa trị “cầm hơi” cho Bình hàng ngày.
Suốt 4 năm qua, Nguyễn Đức Bình phải sống trong nỗi đau bệnh tật hành hạ. |
Anh Yên nghẹn ngào: “Gia đình tôi quanh năm chỉ làm nông, nhờ vào vài sào ruộng tiền ăn còn khó khăn huống chi là chữa trị cho con. Mấy ngày nay bệnh tình của con yếu hơn, con thở khó nhọc hơn, các cơn đau vẫn tiếp tục hành hạ mỗi ngày. Nhìn con mà lòng tôi thắt lại”.
Ôm đứa con bệnh tật, chị Nguyễn Thị Dịu lau vội những giọt nước mắt, tiếp lời chồng: “Tôi ước người bị bệnh là tôi, có người nói con tôi nhiễm chất độc màu da cam nhưng khi đi xét nghiệm lại không ra bệnh. Tôi chỉ mong con mau khỏe lại để được chơi đùa, làm những gì mình thích”.
Vì bệnh tình của con quá nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên hai vợ chồng anh Yên cho biết mới đây, anh đã đi mua vé tàu để đưa Bình vào Sài Gòn thăm khám, chữa trị bởi anh mới nhận được điện thoại của một người cũng từng mắc căn bệnh giống như Bình và đã chữa khỏi.
Anh Yên nói: “Còn nước còn tát, hai vợ chồng tôi sẽ đưa con vào TP.HCM chữa trị. Có người hỏi sao không đưa con đi bằng máy bay, tôi có tìm hiểu họ yêu cầu phải có bác sĩ đi cùng nhưng vì điều kiện của tôi có hạn nên khó khăn mấy bố con tôi cũng gắng khắc phục”.
Trao đổi thêm với PV báo ĐS&PL về câu chuyện của em Nguyễn Đức Bình, cô Bùi Thị Thủy (hiện đang công tác tại trường THPT Đa Phúc, Hà Nội), từng là cô giáo chủ nhiệm của Bình không khỏi xót xa khi nghĩ về cậu học trò bất hạnh của mình: “4 năm về trước, em Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 11 trường THPT Đa Phúc lớp PK50 – do tôi trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm đã mắc căn bệnh lạ (các bác sĩ không kết luận được) và phải dừng ngay việc học cũng như các sinh hoạt khác của một người bình thường”.
Nhận xét thêm về người học trò cũ, cô Thủy cho hay: “Bình là một học sinh rất nhanh nhẹn, biết nghe lời, thời còn đi học tôi thường giao cho em làm tổ trưởng. Mới đây, tôi có đến thăm Bình và thấy bệnh tình của em ngày một nặng thêm, dù không phải cha mẹ ruột nhưng nghĩ đến em là tôi lại rơi nước mắt”.
Hoàng Bích