Lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt cho biết họ có thể điều phối lực lượng gìn giữ hòa bình tới Donbass nếu có sự đồng ý của Kiev và thống nhất của cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Donbass nếu Ukraine bày tỏ thiện chí, đó là lãnh thổ của họ, cũng như nếu có yêu cầu từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Động thái này sẽ diễn ra nếu cần thiết và quyết định được toàn bộ các chính phủ nhất trí", tướng Stanislav Zas nói.
Ông Zas còn khẳng định căng thẳng tại Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán: "Tôi không nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường như khi xe tăng nằm trong nhà chứa tại căn cứ và binh sĩ ở nguyên tại doanh trại. Các bên cần hiểu rằng phải ngồi xuống bàn đàm phán và thống nhất về điều gì đó. Đây là thực tế mới".
Lực lượng của CSTO tới từ quân đội vũ trang của 6 nước thành viên: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức được thành lập trên cơ sở Hiệp ước An ninh Tập thể được ký năm 1992, tiếp nối sự kiện thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) sau khi Liên Xô tan rã. Nga, với tổng quân số 900.000 lính, là thành viên quyền lực nhất trong CSTO.
Hồi tháng 1, lần đầu tiên trong hơn 20 năm, CSTO triển khai binh sĩ để giúp Kazakhstan ổn định tình hình sau khi ở đây xảy ra âm mưu chính biến.
Ông Zas cho biết CSTO có lực lượng 17.000 quân luôn trong trạng thái sẵn sàng, cùng lực lượng gìn giữ hòa bình chuyên biệt với gần 4.000 binh sĩ. "Chúng tôi đủ sức triển khai lực lượng theo yêu cầu, dù đó là 3.000 hay 17.000 binh sĩ. Chúng tôi có thể huy động thêm nếu cần", tướng Zas cho hay.
Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Linh Chi(T/h)