"Nga nhận thức được mối nguy hiểm mà bom chùm gây ra cho người dân. Đó là lý do tại sao chúng tôi chưa bao giờ sử dụng chúng trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, nếu lực lượng vũ trang Ukraine quyết định sử dụng loại vũ khí này, Nga sẽ buộc phải đưa ra một phản ứng tương xứng”, Phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với tạp chí International Life.
Bà Zakharova nói rằng quyết định cung cấp bom chùm cho chính quyền Ukraine của Mỹ đã gây sốc cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trong đó, nhiều quốc gia bao gồm cả đồng minh phương Tây của Washington như Tây Ban Nha, Italy và Anh cũng cho rằng việc sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine là không thể chấp nhận được.
Phát ngôn viên cũng nhắc lại việc 123 quốc gia đã ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) vào năm 2008. CCM có bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và nghiêm cấm việc sử dụng, sản xuất, vận chuyển cũng như tàng trữ loại vũ khí nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, bà Zakharova nói thêm rằng ngay cả sau khi kết thúc chiến tranh, những sự cố thương tâm vẫn có thể xảy ra đối với người dân nếu họ gặp phải những quả bom hoặc đạn con chưa nổ.
"Quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine của Washington xuất phát từ mong muốn gây thiệt hại chiến lược tối đa cho Nga. Mỹ thừa nhận rằng kho vũ khí thông thường của họ đang cạn kiệt, vì vậy các loại vũ khí nguy hiểm hiện đang được sử dụng”, bà Zakharova nói.
Trước đó, ngày 7/7 vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD. Quyết định của ông đã lập tức vấp phải nhiều tranh cãi do loại vũ khí này có khả năng gây sát thương cao với dân thường.
Bom chùm có thể bắn từ các khẩu lựu pháo 155mm và mang tới 88 quả bom con trong khoang chứa, mỗi quả bom con có tầm sát thương là 10m2. Như vậy, một quả bom trùm có thể phát tán hỏa lực lên một diện tích rộng tới 30.000m2.
Phương Uyên(Theo Tass)