Vai trò của tỉnh báo Mỹ trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đã bị đặt câu hỏi khi Nga cáo buộc Nhà Trắng cung cấp thông tin về mục tiêu để Kyiv sử dụng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Mỹ đang 'trực tiếp can dự' vào cuộc xung đột ở Ukraine và đã trao đổi các thông tin gây ra cái chết của nhiều người dân vô tội. Bộ Quốc phòng nói Mỹ phải chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công tên lửa do Kyiv thực hiện nhằm vào các khu vực đông dân ở Donbas và nhiều vùng khác.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu: "Những bằng chứng không thẻ phủ nhận này cho thấy Mỹ, trái ngược với những cam kết do Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đưa ra, đang trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine".
Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viện trợ cho Ukraine hơn 8 tỷ USD để hỗ trợ quân sự nước này kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, bao gồm gói viện trợ bổ sung trị giá 550 triệu USD được công bố hôm 1/8. Dù vậy, Washington vẫn phủ nhận việc can thiệp vào cuộc xung đột.
Bình luận của Nga được đưa ra sau cuộc phỏng vấn của ông Vadym Skibitsky, Quyền phó cục trưởng cục tình báo quân sự của Ukraine, với hãng tin Telegraph hôm 1/8. Trong đó, ông Skibitsky nói rằng hệ thống pháo HIMARS tầm xa do Mỹ sản xuất đã đạt hiệu quả trong việc 'quét sạch' các bãi chứa nhiên liệu và đạn dược của Nga.
Ông nói thêm rằng những hình ảnh vệ tinh rõ nét và thông tin dựa trên thời gian thực cũng đã hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine. Ông Skibitsky phủ nhận việc Mỹ cung cấp thông tin mục tiêu cho họ. Nhưng ông thừa nhận đã có sự tham vấn giữa các quan chức tình báo Mỹ và Ukraine trước khi các cuộc tấn công xảy ra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng bình luận sau tiết lộ trên từ phía Ukraine. Cụ thể, bà nhận xét: "Chúng tôi không cần thêm các sự xác nhận nào khác về việc Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine".
Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi các hệ thống này vì đã làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông và phía Nam đất nước, đồng thời gây thiệt hại đáng kể cho các hoạt động của Nga trong chiến dịch quân sự hiện nay.
Hệ thống pháo tối tân của Mỹ được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực phản ông của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát Kherson ở phía Nam. Trong những ngày qua, Nga được cho là đang tập hợp lại quân đội và củng cố các vị trí của mình ở mặt trận phía Nam.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)