Eurasiantimes đưa tin, máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet-3 của Nga đã phá hủy gần 45% số pháo kéo và pháo tự hành của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cấp cho Ukraine, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra từ tháng 2/2022.
Trong đó, chủ yếu bao gồm pháo kéo hạng nhẹ M777 của Mỹ, pháo 155mm Krab của Ba Lan và pháo tự hành M109 Paladin (SPG) của Mỹ.
Thông tin trên được RIA Novosti đưa ra sau cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu với lãnh đạo quân sự cấp cao của Moscow vào ngày 4/4.
Những con số được thống kê cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các UAV trong tương lai của tác chiến khi những vũ khí giá rẻ như Lancet-3 có thể gây ra thiệt hại lớn cho các tổ hợp vũ khí đắt tiền của Ukraine.
Theo ông Shoigu, cụ thể, kể từ ngày 1/1/2023, quân đội Nga đã phá hủy 59 hệ thống pháo M777, 13 khẩu pháo tự hành M109 Paladin, 14 bệ phóng pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất, 30 khẩu pháo tự hành xuất xứ Ba Lan, Đức, Pháp và Cộng hòa Séc. Các cỗ pháo trên đã bị phá hủy “cả ở vị trí chiến đấu lẫn trong quá trình vận chuyển”.
Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một video ghi cảnh Lancet-3 đánh trúng một khẩu pháo M777 tại một địa điểm không được tiết lộ. Đầu tiên là cảnh binh sĩ Nga đang lắp ráp một UAV lên một bệ phóng. Sau đó một UAV khác (có lẽ là Orlan-10) ghi cảnh UAV Lancet lao xuống khẩu pháo M777.
Ngày 7/4, một video khác được đăng tải cho thấy cảnh Lancet tấn công một khẩu pháo M109 Paladin từ phía sau, khi pháo tự hành này đang lao về phía trước. Tuy nhiên, dường như Lancet trong video này chưa phá hủy hoàn toàn được khẩu pháo tự hành.
Trong khi đó, một video, được nhận là gửi đi từ thành phố Bakhmut, ghi hình một khẩu pháo tự hành M109 đang nổ lớn và bốc cháy sáng rực sau khi Lancet-3 đánh trúng bên sườn pháo.
Vào tháng 11/2022, Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) đã nhắm mục tiêu vào các tuyến tiếp tế của Nga khiến việc tấn công liên tục không thể duy trì. Lực lượng Nga buộc phải rút về phía Tây của sông Dnieper ở Kherson.
Sau đó, Nga chuyển sang sử dụng UAV Lancet-3 để đối phó với pháo tầm xa, pháo phản lực do phương Tây cung cấp cho Ukraine và nhắm mục tiêu vào các đường vận chuyển tới chiến trường.
Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng khoảng 11.000 quả đạn pháo chỉ trong vài ngày, số lượng mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải mất một tháng để sản xuất.
Vào cuối tháng 2, ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, nhấn mạnh sự cần thiết là phải sản xuất hàng loạt “máy bay không người lái cảm tử” để có “cuộc tấn công hiệu quả hơn” chống lại pháo binh Ukraine.
Phiên bản hiện đại nhất hiện được Nga sử dụng là Lancet-3M, nặng khoảng 15kg và có tốc độ bay hơn 110km/s. Một camera gắn trên mũi thiết bị cho phép người điều khiển tìm và xác định mục tiêu, sau đó Lancet sẽ tăng tốc và lao xuống với vận tốc 305km/s, kích nổ đầu đạn xuyên giáp nặng 5kg.
Tầm bay tối đa của Lancet-3M được cho là khoảng 40 km. Thông thường các UAV trinh sát sẽ định vị mục tiêu trước khi Lancet được triển khai.
Hiện UAV Lancet đã được phát triển một phiên bản hiện đại hóa với hệ thống quang điện mới và phần mềm cải tiến giúp tăng cường khả năng kiểm soát bay.
“Phiên bản mới có đầu đạn mạnh hơn, giúp UAV có thể tấn công pháo, xe tăng, xe bọc thép, radar, hệ thống phòng không của đối phương”, báo cáo của RIA Novosti cho biết.
Mộc Miên (Theo Eurasiantimes)