Dân trí dẫn tin tổng hợp từ tờ New York Times và Newsweek cho biết, trong nhiều tháng qua, việc Ukraine sử dụng các hệ thống phòng không mạnh mẽ do phương Tây cung cấp để đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa của Nga đã mang lại cho người dân nước này sự yên tâm nhất định rằng, một "tấm khiên chắn" đã được dựng lên để bảo vệ các thành phố lớn như thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, vào ngày 28/12, tấm khiên đó đã bị phá vỡ một phần. Nga đã tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất kể từ khi xung đột bùng phát và phóng nhiều tên lửa đến mức hệ thống phòng thủ của Ukraine dường như bị quá tải.
Trước sự tấn công dồn dập của Nga, không quân Ukraine tuyên bố chỉ bắn hạ 87 trong số 122 tên lửa của Nga, đạt hiệu suất chiến đấu khoảng 70%. Nhiều tên lửa trong số này là tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo đã lọt qua hệ thống phòng không của Ukraine.
Serhii Kuzan, Chủ tịch nhóm nghiên cứu Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine cho rằng: “Đợt tấn công này đã hoàn toàn áp đảo lực lượng phòng không Ukraine”.
Theo giới phân tích, mạng lưới hệ thống phòng không hạn chế của Ukraine và cường độ mạnh mẽ của cuộc tấn công mà Nga đang thực hiện đã khiến rất nhiều tên lửa dễ dàng lọt qua. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và giới chức Ukraine cho rằng, cuộc tấn công cũng cho thấy Nga đã học được những cách thức tốt nhất để né tránh hệ thống phòng không của Ukraine.
Trước sự tấn công dồn dập của Nga, các chuyên gia quân sự và quan chức Ukraine nhận định, vụ không kích cũng cho thấy Nga đã học được những cách tốt nhất để né tránh hệ thống phòng không của Ukraine và tấn công mạnh vào nước này.
Trong các cuộc oanh tạc dữ dội vào mùa đông năm 2022, tên lửa Nga đã dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự. Nga cũng tăng cường tập kích mạng lưới điện, khiến nhiều khu vực tại Ukraine chìm trong bóng tối. Ngay sau đó, Mỹ và châu Âu bắt đầu cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí phòng không tiên tiến, trong đó có hệ thống phòng không Patriot, để cải thiện khả năng phòng thủ.
Dữ liệu do không quân Ukraine công bố hồi tháng 5 cho thấy, các lực lượng nước này đã đánh chặn khoảng 83% tên lửa của Nga. Rochan Consulting, một nhóm phân tích có trụ sở tại Ba Lan cho biết, Ukraine đã đạt tỷ lệ đánh chặn cao kéo dài đến đầu tháng 12/2023. Nhưng hiện giờ, xu hướng này đang thay đổi khi Nga bắt đầu thử nghiệm việc kết hợp nhiều loại vũ khí trên không và thay đổi các tuyến đường tấn công khác nhau, nhằm tìm kiếm cách thức tốt nhất xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine.
VOV đưa tin từ truyền thông thế giới cho biết, để đáp trả Nga, Ukraine ngày 30/12 đã tiến hành cuộc không kích ồ ạt bằng tên lửa và rocket vào thành phố Belgorod của Nga ở khu vực biên giới, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Đây được coi là một trong những vụ tấn công nguy hiểm nhất vào thành phố của Nga kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Các quan chức Ukraine tiếp tục kêu gọi đối tác phương Tây đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí phòng không cho Kiev. Nhưng căng thẳng chính trị đang diễn ra ở Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lám dấy lên nhiều hoài nghi về các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine, đặc biệt là gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ nhiều lần từ chối thông qua.
Các quan chức Ukraine nói rằng, Nga đã dự trữ tên lửa cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn kéo dài trong mùa đông này. Theo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, đến đầu tháng 11, Nga đã tích lũy được hơn 800 tên lửa có độ chính xác cao. Đến ngày 29/12, Nga dường như đã biến kế hoạch thành hành động. Tướng Valery Zaluzhny, chỉ huy hàng đầu của Ukraine, cho biết, cuộc tấn công bắt đầu với 30 máy bay không người lái phóng từ phía Bắc và Đông Nam. Sau đó, Nga điều máy bay ném bom phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cuối cùng là tên lửa siêu thanh – một trong những vũ khí tinh vi nhất của họ.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, cuộc tấn công cho thấy, những UAV Shahed mà Nga triển khai trong đợt đầu tiên có thể đã đảm nhận vai trò đánh lạc hướng lực lượng phòng không của Ukraine hoặc kích hoạt cuộc tấn công, khiến tên lửa dễ dàng vượt qua. Một lý do có thể khác khiến nhiều tên lửa tránh được hệ thống phòng không của Ukraine là việc sử dụng mồi nhử. Các video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, tên lửa hành trình của Nga dường như đã phóng pháo sáng – một loại mồi nhử mà máy bay chiến đấu sử dụng để gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không đối phương.
Bảo An(T/h)