Theo báo cáo quân sự được Bộ Quốc phòng Anh (MOD) công bố ngày 21/9, ông Andrey Kartapolov - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga gần đây đã thừa nhận rằng quân đội của nước này có thể sẽ được yêu cầu phục vụ ở tiền tuyến xuyên suốt cuộc chiến ở Ukraine mà không được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.
Tháng 9/2022, Nga từng tuyên bố đợt huy động lực lượng đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2. Thời điểm đó, nước này cũng đã nâng giới hạn tuổi đối với nam giới được gọi nhập ngũ từ 27 tuổi lên 30 tuổi. Đổi mới này đã giúp Moscow siết chặt kiểm soát việc huy động quân, khiến việc trốn nghĩa vụ quân sự trong nước trở lên khó khăn hơn.
Một tháng sau đó, Bộ trưởng Sergey Shoigu thông báo Nga hoàn tất lệnh động viên một phần và huy động được 300.000 quân nhân. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài và gây tổn thất lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Cụ thể, trong khi nói chuyện với báo chí vào ngày 15/9, ông Kartapolov đã nhắc lại rằng các quân nhân Nga đã được huy động có nghĩa vụ phải phục vụ trong suốt thời gian diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
“Trong một thừa nhận mới về tình hình khắc nghiệt ở các mặt trận, ông Kartapolov cũng nói rằng Nga không thể luân chuyển nhân sự ra khỏi khu vực hoạt động trong thời gian tham chiến ở Ukraine”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ.
Trong khi đó, Meduza - một cơ quan truyền thông độc lập của Nga viết rằng ông Kartapolov cũng cho biết những người lính đã được đưa vào chiến đấu theo lệnh động viên một phần của Tổng thống Vladimir Putin vào năm ngoái vẫn có quyền nhận được một khoảng thời gian nghỉ ngơi và phục hồi ngắn hạn sau mỗi sáu tháng phục vụ.
Tuy nhiên, ý kiến này cũng đã gây ra tranh cãi trong nội bộ quân đội Nga. Trong nhiều video tự đăng tải trên mạng xã hội những tháng gần đây, nhiều quân nhân Nga đang chiến đấu ở Ukraine chia sẻ rằng họ chưa được nghỉ phép như quân đội đã từng hứa.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định rằng việc các quân nhân phải chiến đấu liên tục trong các vùng chiến sự ở Ukraine mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe đã gây ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực quân sự của Nga.
“Việc không luân chuyển các đơn vị thường xuyên ngoài nhiệm vụ chiến đấu rất có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần khiến tinh thần của quân đội Nga xuống thấp”, theo báo cáo của Bộ này.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng không thể không tiến hành huấn luyện cấp cao hơn kể từ xung đột với Ukraine nổ ra. Việc thiếu đào tạo như vậy rất có thể góp phần gây ra khó khăn cho Nga trong việc tiến hành thành công các hoạt động tấn công phức tạp.
Phương Uyên(Theo Newsweek)