Đài RT đưa tin, ngày 18/1 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu quốc hội nước này thông qua đạo luật chính thức chấm dứt sự tham gia của Nga vào 21 hiệp ước và điều lệ liên quan đến Ủy hội châu Âu (CoE).
Ông Putin đã chính thức trình dự luật về việc chấm dứt các thỏa thuận liên quan đến Hội đồng châu Âu lên Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin theo các điều khoản của luật liên bang năm 1995.
Theo dự luật, các thỏa thuận quốc tế giữa Nga và Hội đồng châu Âu sẽ bị coi là không còn hiệu lực từ ngày 16/3. Các thỏa thuận này gồm Công ước về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Công ước châu Âu về chống khủng bố...
CoE là cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu châu Âu, được thành lập vào năm 1949 sau Thế chiến 2. Nga gia nhập vào cơ quan này vào năm 1996.
Tháng 2/2022, 42/47 thành viên của CoE đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngày 15/3 cùng năm, Nga đã rút khỏi CoE, cho rằng cơ quan này đã bị Mỹ và đồng minh lợi dụng để phục vụ các mục tiêu chính trị của phương Tây.
Đến tháng 6 năm đó, Tổng thống Putin ký đạo luật tuyên bố tất cả phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu đều vô hiệu và không có giá trị ở Nga.
Quan hệ giữa Nga và châu Âu leo thang căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 9 gói trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả "chiến dịch quân sự đặc biệt" của nước này ở Ukraine.
Ngoài ra, cùng với Mỹ, các nước châu Âu cũng liên tục viện trợ quân sự cho Kiev. Lãnh đạo Mỹ và EU cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể để giúp nước này có vị thế tốt hơn trên chiến trường và trên bàn đàm phán với Nga.
Moscow cho rằng, chiến sự ở Ukraine thực tế là "cuộc đối đầu giữa Nga và NATO", đồng thời cảnh báo việc phương Tây liên tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài.
Hoa Vũ (T/h)