TASS đưa tin ngày 27/7, ông Yuri Borisov, người mới được bổ nhiệm điều hành Roscosmos (Tập đoàn phụ trách chương trình vũ trụ của Nga) đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Vladimir Putin để bàn về định hướng phát triển ngoài không gian của Nga.
Cụ thể, ông Borisov trình bày với Tổng thống Putin rằng Nga sẽ thực hiện các cam kết đến năm 2024 và chuyển trọng tâm sang việc xây dựng một trạm vũ trụ riêng.
"Chúng ta đang tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trên Trạm ISS. Chúng ta cũng sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình với các đối tác, nhưng quyết định rút khỏi trạm sau năm 2024 đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này chúng ta nên bắt đầu đầu xây dựng một trạm không gian của riêng mình", ông Borisov nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington ngạc nhiên và lấy làm tiếc về thông báo của Nga.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên về việc Nga công bố sẽ rời khỏi ISS. Đó là một diễn biến đáng tiếc do một công trình khoa học quan trọng đang được thực hiện tại ISS. Đây là sự hợp tác chuyên môn quý giá mà các cơ quan vũ trụ của chúng tôi có được trong những năm qua, đặc biệt theo thỏa thuận mới của chúng tôi về hợp tác bay vào vũ trụ”, ông Ned Price nói.
Các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá đa chiều trước thông tin của Nga vừa đưa ra. Việc thông báo rút khỏi ISS trước năm 2024 cho thấy Nga vẫn còn bỏ ngỏ khả năng “rút lại” thông tin này và đây chỉ là một động thái nhằm “nắn gân” Mỹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, việc cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030 khiến các bên sẽ phải đổ vào đó một số tiền khổng lồ để đầu tư sửa chữa trạm trong khi các giá trị mà ISS đem lại không còn hiệu quả đối với Nga trong môi trường địa chính trị hiện nay.
Trong gần nửa thế kỷ qua, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của các phi hành gia Mỹ và Liên Xô trên quỹ đạo năm 1975 trong sứ mệnh Apollo-Soyuz, hợp tác vũ trụ đã được coi là cách để xây dựng mối quan hệ tích cực giữa hai nước ngay cả khi có căng thẳng ngoại giao.
Nhiều thập kỷ thăng trầm trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, hợp tác vũ trụ vẫn được duy trì. Từ năm 1995 đến 1998, các tàu con thoi của NASA đã cập bến phân đoạn trạm vũ trụ Mir của Nga và các phi hành gia Mỹ sống tại Mir.
Trạm không gian ISS cũng được coi là biểu tượng còn sót lại về hợp tác Nga – Mỹ xung quanh “cơn bão” căng thẳng giữa hai nước liên quan đến xung đột Nga – Ukraine và nếu chấm dứt sự hợp tác này sẽ là “một bước lùi” không chỉ đối với hợp tác vũ trụ giữa Nga- Mỹ mà còn đối với cả hợp tác vũ trụ quốc tế.
Bởi thực tế trạm ISS được thiết kế trên có sở tương hỗ, chính vì vậy Nga và Mỹ đều không thể hoạt động mà không có bên kia. Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng điện trong khi đó Mỹ phụ thuộc Nga về lực đẩy, kiểm soát, diễn tập và khử bão hòa con quay hồi chuyển. Thời gian còn lại quá ngắn để Mỹ và các bên có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.
Mộc Miên (T/h)