Trong bài phát biểu mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn và Kiev đang tăng cường các lực lượng ở miền Đông nước này. Theo đó, ông thúc giục các đối tác cung cấp đạn dược cho Ukraine đúng hạn.
Ukraine bắt đầu tiến hành chiến dịch tấn công vào tỉnh Kursk của Nga từ ngày 6/8. Tổng thống Zelensky cho biết chiến dịch quân sự này là nhằm thiết lập một vùng đệm bảo vệ lãnh thổ của Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ "đáp trả xứng đáng" cuộc tấn công của Ukraine vào biên giới Nga, đồng thời tuyên bố sẽ không hòa đàm sau những động thái mới của Kiev.
Ngày 21/8, Ukraine lần đầu xác nhận sử dụng vũ khí Mỹ ở Kursk. Theo đó, Lực lượng đặc nhiệm Ukraine xác nhận, hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất đã được sử dụng nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của Nga ở Kursk.
Washington chưa bình luận về tuyên bố này, nhưng khẳng định các chính sách của Mỹ không thay đổi và Ukraine chỉ đang tự vệ.
Sau hơn 2 tuần đột kích, Ukraine tuyên bố đã kiểm soát gần 100 khu định cư trên diện tích gần 1.300km2 lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Nga tuyên bố tiếp tục giáng đòn mạnh và gây tổn thất lớn cho Ukraine trong chiến dịch Kursk.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã mất tổng cộng hơn 4.400 quân nhân, 65 xe tăng, 27 xe chiến đấu bộ binh, 53 xe bọc thép chở quân, 316 xe chiến đấu bọc thép, 133 xe cơ giới, 31 đơn vị pháo binh, 5 hệ thống tên lửa phòng không, 9 hệ thống pháo phóng loạt, 6 trạm tác chiến điện tử, trong cuộc xâm nhập lãnh thổ.
Nhà phân tích Marcin Andrzej Piotrowski tại Viện Vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) cho biết, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã đối mặt với một thách thức lớn, đó là bảo vệ không phận và cơ sở hạ tầng của mình trước các cuộc tấn công tầm xa của Nga.
Nhờ vào sự hỗ trợ từ các nước NATO, Ukraine đã đạt được một số thành công trong việc hạn chế lợi thế quân sự của Nga. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp tục khốc liệt và đòi hỏi Kiev phải đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không.
Trong bối cảnh trên, hỗ trợ từ NATO là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ của Ukraine. Tuy nhiên, việc cung cấp các hệ thống phòng không không phải lúc nào cũng diễn ra nhanh chóng. Để đảm bảo hiệu quả, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các nước NATO trong sản xuất và cung cấp tên lửa phòng không, nâng cấp và bảo trì các hệ thống hiện có.
Bên cạnh đó, việc thay thế các hệ thống phòng không hậu Xô Viết bằng các hệ thống của NATO cũng đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và kỹ thuật. Kiev sẽ cần một kế hoạch dài hạn để xây dựng một hệ thống phòng thủ tích hợp và đa lớp, đồng thời duy trì và nâng cấp các hệ thống hiện có.