Theo thông tin mới nhất trên TASS, ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết, nếu Ukraine đồng ý từ bỏ các vùng lãnh thổ tranh chấp để gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì họ sẽ phải từ bỏ cả thủ đô Kiev.
“Ý tưởng này thật gây tò mò. Câu hỏi duy nhất là tất cả lãnh thổ được cho là của Ukraine đều có tính tranh chấp cao. Để gia nhập NATO, chính quyền Kiev sẽ phải từ bỏ ngay cả chính thủ đô Kiev. Khi đó, họ sẽ phải rời thủ đô đến Lvov, tất nhiên nếu Ba Lan đồng ý”, ông Medvedev nêu quan điểm.
Bình luận nói trên được đưa ra sau khi Stian Jenssen - Giám đốc Văn phòng Tổng thư ký NATO gợi ý, Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO nếu nước này đồng ý nhượng bộ tại các vùng lãnh thổ mà hiện họ từ chối công nhận là một phần của Nga.
Trong diễn biến liên quan, ông Mikhail Podoliak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên NATO, theo thông tin trên RT. Ông Mikhail cho rằng, giải pháp duy nhất trong bối cảnh hiện tại là phương Tây “tăng tốc cung cấp vũ khí”.
Tổng thống Zelensky và các quan chức của ông khẳng định sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời không ngừng chiến đấu để giành lại các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson hoặc Zaporozhye đã được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022. Ông Zelensky cũng nói rằng sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea, nơi đã tái gia nhập Liên bang Nga vào năm 2014.
Không có nhà lãnh đạo NATO nào công khai tán thành ý tưởng Ukraine từ bỏ lãnh thổ gồm 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi cuối năm 2022. Tương tự, dù tỏ ra hòa nghi về khả năng Ukraine giành lại Crime nhưng không quan chức phương Tây nào thúc giục Kiev từ bỏ bán đảo này.
Tuy nhiên, ý tưởng đó có vẻ vẫn được thảo luận kín tại hậu trường. Hồi tháng 2/2023, tờ Neue Zürcher Zeitung trích dẫn các nguồn tin cho biết Giám đốc CIA William Burns đã đề nghị với Nga một thỏa thuận “đổi lãnh thổ lấy hòa bình”. Theo đề xuất này, Nga sẽ kiểm soát “20% lãnh thổ của Ukraine”. Sau đó, Nhà Trắng, CIA và Điện Kremlin đều bác bỏ thông tin này.
XEM THÊM: Điểm mặt 4 loại mìn được Nga sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine
Cho đến nay, những nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga đều thất bại. Số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, tiến hành phản công chống lại các lực lượng Nga kể từ tháng 6/2023, quân đội Ukraine đã thiệt hại hơn 43.000 binh sĩ và gần 5.000 thiết bị hạng nặng. Trong số đó, có hàng chục xe tăng và phương tiện chiến đấu của phương Tây.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự này “sẽ đảm bảo Ukraine có được vũ khí cần thiết để giành lại lãnh thổ, chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga và chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền”.
Đinh Kim(Theo TASS, RT)