Trong bản báo cáo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga liên quan tới tình hình giao tranh tại Kursk, trực thăng Ka-52M đã phá hủy cứ điểm của quân đội Ukraine.
"Một kíp lái vận hành trực thăng "cá sấu sát thủ" Ka-52M và hoạt động như một phần của nhóm chiến thuật phối hợp, thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa phóng từ trên không vào một cứ điểm và lực lượng của quân đội Ukraine ở khu vực biên giới của vùng Kursk", trích dẫn báo cáo cho biết.
"Với sự hỗ trợ của các đơn vị thuộc nhóm tác chiến phía Bắc, các phi công đã phóng tên lửa và phá hủy cứ điểm cũng như lực lượng của quân đội Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, trong ngày 6/12, Ukraine đã mất hơn 250 quân nhân, một xe chiến đấu bộ binh, 2 xe chiến đấu bọc thép và 5 xe cơ giới.
Nhóm tác chiến phía Bắc đã đánh bại các đơn vị vũ trang của Ukraine tại các khu vực Viktorovka, Lebedevka, Leonidovo, Malaya Loknya, Martynovka, Nizhny Klin, Nikolayevo-Daryino, Nikolsky, Novaya Sorochina, Novoivanovka, Plyokhovo, Russkoye Porechnoye và Sverdlikovo.
Trong khi đó, các lực lượng tên lửa, máy bay tác chiến chiến thuật và lục quân Nga đã tấn công quân nhân và thiết bị của đối phương ở cả vùng Kursk của Nga và vùng Sumy của Ukraine.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu giao tranh ở Kursk hồi đầu tháng 8, Kiev đã mất 38.485 quân, 232 xe tăng, 169 xe chiến đấu bộ binh, 123 xe bọc thép chở quân, 1.230 xe chiến đấu bọc thép, 1.092 xe cơ giới, 308 khẩu pháo, 40 hệ thống pháo phóng loạt (MLRS), bao gồm 11 hệ thống HIMARS và 6 hệ thống MLRS do Mỹ sản xuất, cùng hàng loạt thiết bị quân sự khác.
Trong một diễn biến khác liên quan, chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã lên một kế hoạch phút chót nhằm tăng cường đáng kể năng lực của Ukraine thông qua gói viện trợ quân sự lớn cho Kiev và áp lệnh trừng phạt Nga.
Cụ thể, trong cuộc gặp với người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak, ngày 5/12 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đưa ra cam kết quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine.
Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn tên lửa và hàng trăm xe bọc thép cho Ukraine vào giữa tháng tới.
Washington cũng có kế hoạch huấn luyện quân đội Ukraine ở nước ngoài và hoàn tất khoản vay trị giá 20 tỷ USD được đảm bảo bằng tài sản bị đóng băng của Nga; thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cuối cùng đối với Nga trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng sau.
Động thái này của Mỹ nhằm làm suy yếu nỗ lực quân sự của Nga, trong khi tăng cường vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán tương lai.
Đây được coi là những nỗ lực cuối cùng của ông Joe Biden trong những tuần cuối nhiệm kỳ trước nguy cơ chính quyền kế nhiệm thay đổi chính sách viện trợ dành cho Kiev.
Động thái mới nhất của Nhà Trắng diễn ra chỉ hơn một tháng trước lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
Trước đó, vào đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Biden cũng thông báo sẽ gửi cho Ukraine gói viện trợ trị giá 725 triệu USD, bao gồm tên lửa, đạn dược, mìn chống bộ binh và các loại vũ khí khác.