Ngày 21/2 (giờ địa phương), hãng tin RT của Nga cho biết các thoả thuận hữu nghị và hợp tác giữa Moscow với 2 khu vực ly khai mới được nước này công nhận là Donetsk và Lugansk đang trong giai đoạn dự thảo. Tuy nhiên, trong tối cùng ngày, Duma Quốc gia Nga đã công bố các tài liệu được đề xuất. Trong đó, các tài liệu sẽ bao gồm thoả thuận phòng thủ chung chống lại sự xâm lược từ bên ngoài và quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhau.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận Donetsk và Lugansk - hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine - là các quốc gia độc lập.
Được biết, Duma Quốc gia đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo ủng hộ yêu cầu Điện Kremlin công nhận các khu vực ly khai này vào tuần trước. Dự thảo hiệp ước hữu nghị và tương trợ giữa các bên sẽ có thời hạn ít nhất 10 năm và hiện đã được công bố trên trang web của cơ quan lập pháp.
Nổi bật trong số đó là điều 5, cho phép cả hai bên ký kết có quyền "xây dựng, sử dụng và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, căn cứ và các đối tượng khác trên lãnh thổ của họ". Theo đó, Điện Kremlin đã ra lệnh cho quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở 2 khu vực này, trong khi chờ một hiệp ước chính thức về hợp tác quân sự.
Tiếp đó, điều 6 cấm cả hai bên "tham gia vào bất kỳ khối hoặc liên minh nào chống lại một trong hai bên" và sẽ không cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng để phát động các cuộc tấn công lẫn nhau.
Điều 11 quy định việc di chuyển tự do của công dân giữa các bên ký kết và yêu cầu cả Nga và 2 khu vực trên phải "phát triển và thực hiện một loạt các biện pháp đã thỏa thuận để điều chỉnh chế độ ra vào lãnh thổ của công dân các nước thứ ba".
Điều 13 bắt buộc các bên ký kết phải bảo vệ "bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ của họ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển" những bản sắc này đồng thời đảm bảo các quyền của cá nhân và tập thể thiểu số"mà không bị bất kỳ nỗ lực nào của sự đồng hóa trái với ý muốn của họ".
Trước đó, Donetsk và Lugansk đã tuyên bố ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014, sau khi những người theo chủ nghĩa dân tộc lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Kyiv. Họ đã tìm kiếm sự công nhận từ Nga vào thời điểm đó nhưng bị Moscow từ chối, khẳng định xung đột của họ là vấn đề nội bộ của Ukraine.
Nga đã tham gia với Pháp và Đức các cuộc đảm phán được gọi là Định dạng Normandy để làm trung gian cho một cuộc đình chiến giữa Kyiv và phe ly khai. Các cuộc đàm phán diễn ra tại Minsk (Belarus) vào năm 2014-2015. Quá trình này đã đi đến thoả thuận về việc Ukraine trao quyền tự trị rộng rãi cho hai khu vực. Tuy nhiên, theo phía Nga, Kyiv đã liên tục từ chối thực hiện các nghĩa vụ của mình và còn thay đổi hiến pháp của đất nước để biến điều đó thành bất khả thi.
Tổng thống Putin đã trích dẫn diễn biến này và cáo buộc Ukraine muốn giành lại hai khu vực ly khai bằng vũ lực trong bài phát biểu ngày 21/2 khi ông tuyên bố công nhận các 2 khu vực ly khai ở Donbass là một động thái "đã quá hạn từ lâu".
Minh Hạnh (Theo RT)