Cuối ngày 21/2 (giờ địa phương), truyền hình quốc gia Nga phát cảnh Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR). Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014.
"Tôi cho rằng việc ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Luhansk' là cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu", ông Putin cho hay.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo 69 tuổi yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
Ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk,” xong đều vô ích.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Nga một lần nữa nêu lên vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraine.
Theo ông Putin, Moscow có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian," coi đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 đã bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình".
Phương Tây giận dữ
Phản ứng trước bước đi của Nga, Nhà Trắng cùng ngày cho biết Mỹ sẽ sớm ban hành lệnh cấm hoạt động thương mai, đầu tư giữa các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ với hai khu vực ly khai mà Tổng thống Putin vừa công nhận là các quốc gia độc lập.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng việc ông Putin công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) có thể mở đường cho Moscow đưa lực lượng quân sự vào hai khu vực này, cho rằng Nga đang can thiệp với tư cách là đồng minh để chống lại Ukraine.
"Chúng tôi đã lường trước một động thái như thế này từ Nga và sẵn sàng đáp trả ngay lập tức. Tổng thống Biden sẽ sớm ban hành sắc lệnh cấm đầu tư, thương mại và tài chính mới giữa người Mỹ với các khu vực DNR và LNR của Ukraine”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố.
Bà Psaki cho biết thêm, sắc lệnh mới sẽ "cung cấp thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ người nào được xác định có hoạt động kinh tế với hai khu vực ly khai này của Ukraine".
Ngoài ra, phát ngôn viên Nhà Trắng tiết lộ Mỹ sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt nữa và những biện pháp này tách biệt với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là "vi phạm luật pháp quốc tế".
“Điều này rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Đó là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine”, ông Johnson nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngày 21/2.
Thủ tướng Anh nói thêm: “Đó là sự phủ nhận tiến trình Minsk và các thỏa thuận Minsk... Đây là một dấu hiệu khác cho thấy mọi thứ đang đi sai hướng ở Ukraine”.
Pháp cũng bày tỏ sự phản đối, tuyên bố báo chí của Điện Elysée nhấn mạnh: “Đây rõ ràng là hành vi đơn phương vi phạm các cam kết quốc tế của Nga và là cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền của Ukraine”.
Điện Elysée cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kêu gọi châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt “có mục tiêu” nhằm vào Nga.
NATO cũng chỉ trích động thái của Nga khi công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine.
"Động thái này càng làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, làm xói mòn các nỗ lực hướng tới giải quyết xung đột và vi phạm thỏa thuận Minsk mà Nga là một bên tham gia", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng Donetsk và Lugansk là "một phần của Ukraine".
Ông Stoltenberg cũng cho rằng động thái của Nga là nỗ lực nhằm "tạo cớ để tấn công Ukraine".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ "đáp trả với sự thống nhất" trước việc Tổng thống Putin công nhận 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine.
"Việc công nhận 2 vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và thỏa thuận Minsk", Chủ tịch Ủy ban châu Âu viết trên Twitter hôm 21/2.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.
Ukraine trong nhiều năm trở lại đây dần xa rời Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cùng năm 2014, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bế tắc vì Kiev không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Tình hình Donbass những ngày qua đang làm dấy lên lo ngại xung đột leo thang đáng lo ngại ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh biên giới Ukraine vốn "nóng lên" những tháng qua khi Nga triển khai hơn 100.000 binh sĩ sát Ukraine.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc, Nga có thể sẽ thực hiện một chiến dịch "cờ giả" để có cớ can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng những cáo buộc vô căn cứ của phương Tây khiến leo thang tình hình.
Hoa Vũ (T/h)