Báo Tiền Phong đưa tin, máy bay không người lái (UAV) đã được Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi kể từ khi xảy ra xung đột vào tháng 2/2022. Cả hai bên đều có kế hoạch tăng cường sản xuất loại thiết bị bay này bởi cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hôm thứ Bảy (6/1), hãng thông tấn Tass dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov cho biết, Nga có kế hoạch sản xuất hơn 32.000 máy bay không người lái mỗi năm vào năm 2030 và để các nhà sản xuất trong nước chiếm 70% thị trường.
Theo ông Andrei Belousov: "Số lượng sản xuất hằng năm của máy bay không người lái (không bao gồm các máy bay không người lái phục vụ mục đích khoa học) đã được lên kế hoạch là 32.500 chiếc. Con số này cao hơn gần gấp ba lần so với khối lượng sản xuất hiện tại."
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Nga sẽ tài trợ cho dự án quốc gia về máy bay không người lái với số tiền 696 tỷ rúp (tương đương 7,66 tỷ USD) vào năm 2030. Các thông tin chi tiết về dự án sẽ được công bố trong tháng này.
UAV được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua giữa Nga và Ukraine. Cả hai nước đều đang thúc đẩy sản xuất loại thiết bị này cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm tấn công, trinh sát.
Nga được cho là sử dụng cả UAV nội địa và UAV Shahed do Iran sản xuất. Những UAV này có ưu điểm giá rẻ, nhưng động cơ gây tiếng ồn lớn.
Các UAV của Nga ban đầu gây bối rối cho hệ thống phòng không của Ukraine do khó phát hiện hơn so với tên lửa. Hơn nữa, dùng tên lửa đắt đỏ để bắn hạ các UAV rẻ tiền không phải một chiến lược phù hợp xét về hiệu quả chi phí.
Ukraine đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), loại UAV cỡ nhỏ ban đầu sử dụng cho mục đích dân sự, nhưng sau được điều chỉnh để phục vụ chiến trường. FPV được coi là một lựa chọn rẻ tiền nhưng hiệu quả cao trong hoạt động trinh sát và tấn công. Moscow cũng bắt đầu áp dụng chiến thuật này.
Hồi tháng 12, giới chức Ukraine cho biết nước này có kế hoạch sản xuất hơn 11.000 UAV tấn công tầm trung và tầm xa trong năm 2024 và một triệu FPV, thông tin trên báo Dân Trí.
Thùy Dung (T/h)