Hồi đầu tháng 12, các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs công bố cho thấy một số tàu chiến neo đậu tại cơ sở hải quân của Nga ở Tartus, một thành phố cảng trên biển Địa Trung Hải.
Chỉ 2 ngày sau, các tàu này không còn ở đó. Đến ngày 6/12, một số tàu chiến, bao gồm 2 tàu nổi và một tàu ngầm, đã quay trở lại. Nhưng 3 ngày sau, chúng lại "biến mất" một lần nữa.
Trong bức ảnh được chụp vào ngày 9/12, tất cả tàu chiến này đều đã "biến mất". Hiện không rõ liệu các tàu chiến của Nga có rời đi lâu dài hay không.
Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận bất kỳ thay đổi lớn nào về lực lượng ở Syria, nhưng cơ quan tình báo quân sự Ukraine hôm 9/12 cho biết Nga đã rút tàu chiến khỏi căn cứ Tartus. Trên đất liền, Nga bắt đầu chuyển các hệ thống phòng không S-300, S-400 và Tor-M1 ra khỏi các căn cứ không quân Khmeimim.
Các nguồn tin tình báo mở đã chỉ ra hoạt động bất thường, chia sẻ hình ảnh cho thấy tàu chiến Nga đang ở ngoài khơi bờ biển Syria. Các động thái này đặt ra câu hỏi về sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Assad sụp đổ.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 8/12, Tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tuyên bố đã chiếm thủ đô Damascus của Syria, kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad tại quốc gia Trung Đông.
Nga, đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cho biết ông đã từ chức và rời Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Điện Kremlin xác nhận ông Assad và gia đình đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin cấp quyền tị nạn ở nước này.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các căn cứ quân sự của nước này ở Syria đang được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng hiện không có mối đe dọa nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền Assad đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa chính trị ở khu vực Trung Đông và đặt dấu hỏi lớn về tương lai của lực lượng Nga đồn trú tại Syria.
Tartus là căn cứ hải quân chính của Nga ở nước ngoài và cung cấp cho Moscow quyền tiếp cận một cảng nước ấm. Trong khi đó, Nga sử dụng căn cứ Khmeimim gần đó để tiếp nhận lực lượng quân sự vào và ra khỏi Châu Phi. Nếu để mất cả 2 cơ sở này, đây được cho sẽ là một đòn giáng mạnh vào quân đội Nga.
Ông Aaron Zelin, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Washington ở Mỹ, cho rằng việc để mất quân cảng Tartus sẽ là "thất bại nghiêm trọng" đối với Nga, do đây là cảng nước ấm duy nhất có lực lượng Nga đồn trú bên ngoài lãnh thổ các quốc gia từng thuộc Liên Xô. "Đánh mất nó đồng nghĩa Moscow không còn ảnh hưởng lớn tại Trung Đông", ông nhận định.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại ISW nhận định, trường hợp căn cứ này phải chấm dứt hoạt động, sẽ làm gián đoạn việc luân chuyển nhân sự, tiếp tế và khả năng của Nga trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Libya và châu Phi cận Sahara, nơi Moscow đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình.
Ngoài Tartus và Hmeymim, Nga còn xây dựng một số cơ sở quân sự khác tại Syria, trong đó có căn cứ đồn trú quy mô nhỏ hơn ở Manbij và Kobane, cùng hai sân bay ở miền trung nước này.
Còn căn cứ ở Kobane được Nga sử dụng để giám sát một thỏa thuận ngừng bắn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập vài năm qua. Hãng thông tấn North Press của Syria cho biết lực lượng Nga đã rút khỏi cả hai căn cứ ở Manbij và Kobane.