Theo báo Quốc tế, liên quan thông tin của truyền thông phương Tây cho rằng Ai Cập bí mật cung cấp tên lửa cho Nga, đại diện Điện Kremlin đã lên tiếng chính thức.
Theo đó, ông Dmitry Peskov là người phát ngôn Điện Kremlin bác bỏ thông tin này. Ông Peskov nhấn mạnh: “Nó giống như tin giả. Hiện có nhiều thông tin như vậy”.
Người phát ngôn đưa ra bình luận trong bối cảnh tờ The Washington Post ngày 10/4 trích dẫn một tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ trên Internet tiết lộ rằng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã phê chuẩn kế hoạch gửi tới 40.000 tên lửa tới Moscow. Tài liệu ghi ngày 17/2 và được đánh dấu “tuyệt mật”.
Theo tài liệu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã kêu gọi sản xuất 40.000 tên lửa và đạn pháo tại các doanh nghiệp quốc phòng để xuất sang Nga.
AP cũng dẫn các tài liệu này cho rằng Mỹ lo ngại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang giúp Moscow lách trừng phạt.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, tài liệu trên được lập vào ngày 17/2, có nội dung tóm tắt các đoạn hội thoại hôm 1/2 giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi và một số quan chức quân đội cấp cao của nước này, theo báo Washington Post.
Ông El-Sisi yêu cầu các quan chức đảm bảo việc sản xuất và vận chuyển tên lửa được giữ bí mật để "tránh rắc rối với phương Tây", đồng thời chỉ đạo một người tên Salah al-Din (khả năng cao là Bộ trưởng Bộ Sản xuất quân sự Mohamed Salah al-Din) giải thích với nhân viên nhà máy rằng số vũ khí này được sử dụng cho quân đội Ai Cập.
Đáp lại yêu cầu của tổng thống, ông Salah ah-Din khẳng định nếu cần thiết, ông sẽ "cho các công nhân luân phiên làm việc 24/7 vì đây là điều tối thiểu Ai Cập có thể làm để trả ơn Nga". Tuy nhiên, tài liệu không đề cập phía Ai Cập đang muốn trả ơn Nga về điều gì.
Ngày 10/4, Ai Cập cũng bác bỏ các thông tin trên, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết: “Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là không can dự vào cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên”.
Ông khẳng định Cairo ủng hộ hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và đạt được giải pháp chính trị thông qua đàm phán”, người phát ngôn nói thêm.
Cuối tuần qua, một lượng lớn tài liệu mật về tình báo quân sự của Mỹ liên quan xung đột ở Ukraine và các vấn đề toàn cầu khác bị rò rỉ, ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ của Washington và các đồng minh.
Liên quan đến thông tin về làn sóng động viên quân sự thứ hai ở Nga, ông Peskov cũng đã lên tiếng phủ nhận.
Về cách gửi thông báo triệu tập trong trường hợp có một đợt động viên quân thứ hai, quan chức này cho biết: “Đối với thông báo triệu tập, Nga đang thảo luận về dự luật. Mọi việc đang được xem xét”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov cho biết, cơ quan này sẽ xem xét sửa luật, tăng gấp đôi thông báo triệu tập qua hình thức trực tuyến, với giá trị pháp lý như nhau.
Cùng ngày, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã chỉ thị mời Đại sứ Mỹ Lynne Tracy đến làm việc, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland chưa phản hồi Ủy ban về các phòng thí nghiệm sinh học Nga.
Vân Anh(T/h)