Trước thông tin Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitri Peskov tuyên bố: "NATO mở rộng là hành động tấn công vào an ninh và các lợi ích quốc gia của Nga. Điện Kremlin cho rằng tình hình đang trầm trọng thêm, và điều này buộc chúng tôi phải có biện pháp đáp trả... cả về mặt chiến thuật và chiến lược".
Cùng ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo việc Phần Lan gia nhập NATO và liên minh này tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu đã làm tăng nguy cơ xung đột.
Ông Shoigu cho biết thêm một số máy bay phản lực quân sự của Belarus hiện có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Nga cũng chuyển hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander cho Belarus, chúng có thể mang tên lửa thông thường hoặc tên lửa hạt nhân.
Hồi tháng 3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev cùng từng ngụ ý rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, Nga có thể buộc phải triển khai vũ khí hạt nhân đến khu vực Baltic để duy trì "cán cân sức mạnh".
Chiều nay (4/4), tại Brussels (Bỉ), Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên liên minh quân sự NATO. Lễ kết nạp Phần Lan sẽ diễn ra ngay trước cuộc họp 2 ngày của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước thành viên NATO.
Trong buổi họp báo vào chiều 3/4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. "Lần đầu tiên chúng tôi sẽ giương cao lá cờ Phần Lan tại đây, tại trụ sở của NATO. Đó sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho cả NATO", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc u phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ từ cả 30 nước NATO, trong khi Thụy Điển vẫn gặp sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Mộc Miên (T/h)