+Aa-
    Zalo

    Nếu cố tình nhấn ga đâm cô gái mắc kẹt, tài xế phạm tội gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận tài xế xe Santafe dù phát hiện đã gây ra tai nạn giao thông nhưng “cố tình” đâm nạn nhân tới chết thì là tội giết người.

    (ĐSPL) - Luật sư Kiên phân tích: “Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận tài xế xe Santafe dù phát hiện đã gây ra tai nạn giao thông nhưng “cố tình” đâm nạn nhân tới chết thì đó là tội “giết người” chứ không phải là tội vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ”.

    Liên quan tới vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì (đối diện Keangnam – Hà Nội) khiến 3 người thương vong, sáng 14/11, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm cho biết tài xế xe ô tô Santafe và những người liên quan đã đến trụ sở để trình báo sự việc.

    Dư luận hiện đang dậy sóng trước thông tin nhiều nhân chứng cho biết, sau khi đâm vào cột đèn, người tài xế xe Santafe vẫn đạp chân ga lao ôtô vào xe máy và nữ nạn nhân tới 3 lần để thoát thân nhưng vẫn bị mắc kẹt.

    Tài xế Tuấn tại cơ quan điều tra.

    Đề cập về vấn đề này, cán bộ công an quận Nam Từ Liêm cho biết tất cả các tình tiết liên quan tới vụ tai nạn đang được tiến hành điều tra làm rõ.

    Luật sư Lê Văn Kiên – trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng & Công lý cho biết, việc tài xế xe Santafe vẫn đạp chân ga lao ôtô vào xe máy và nữ nạn nhân tới 3 lần là thông tin cơ quan điều tra phải kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu thông tin này là đúng sự thật, chúng ta cần xem xét trên hai trường hợp.

    Luật sư Kiên phân tích: “Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận tài xế xe Santafe dù phát hiện đã gây ra tai nạn giao thông nhưng “cố tình” đâm nạn nhân tới chết thì đó là tội “giết người” chứ không phải là tội vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ”.

    Luật sư Kiên cho biết thêm, đã có nhiều trường hợp tài xế khi gây ra tai nạn vì tâm lý lo sợ phải bồi thường nhiều tiền nên đã cố tình gây ra cái chết cho nạn nhân. Pháp luật sẽ nghiêm trị những tài xế này vì hành vi “giết người”.

    “Trường hợp thứ hai, nếu hành vi này xuất phát từ việc tài xế hoảng hốt, không phát hiện có người dưới gầm thì đó chỉ là hành vi bỏ chạy, không phải hành vi giết người. Theo đó, hành vi chạy trốn sẽ là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự ” – Luật sư Kiên nói.

    Luật sư Kiên phân tích, khi tài xế “gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” là trường hợp người phạm tội do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản, nhưng sau đó đã bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.

    Nhận định về việc tài xế xe Santafe cố tình ngồi ì trong xe không mở cửa cứu giúp nạn nhân, Luật sư Kiên cho biết đây là trường hợp “cố ý không cứu giúp người bị nạn”. Đây cũng là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 2 điều 202 Bộ luật hình sự.

    Hiện trường vụ tai nạn.

    Cùng quan điểm trên, Luật sư Hồng Ngọc – đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết hành vi tài xế xe Santafe cố tình ngồi ì trong xe không mở cửa cứu giúp nạn nhân là trường hợp “cố ý không cứu giúp người bị nạn”.

    Luật sư Hồng Ngọc cho biết thêm, tài xế xe Santafe sẽ phải nhận thêm tình tiết tăng nặng bởi vi phạm vào điểm d khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự quy định về việc tai nạn “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

    Trong một diễn biến khác, tài xế chiếc xe gây tai nạn tên Trần Quang Tuấn (33 tuổi, trú đường Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân) đã khai báo với cơ quan chức năng về hành động đạp chân ga lao ôtô vào xe máy và nữ nạn nhân tới 3 lần.

    “Khi tôi đang ngồi trong xe thì người dân bên ngoài mỗi người một ý, người thì bảo tiến lên, người thì bảo lùi lại để lôi nạn nhân ra, chứ tôi không có ý cố tình lùi xe để bỏ chạy”- tài xế Tuấn nói.

    Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

    Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

    a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

    b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

    c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

    d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

    đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

    Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

    Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

    Xuân Tùng

    [mecloud]umtgZuYSAD[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/neu-co-tinh-nhan-ga-dam-co-gai-mac-ket-tai-xe-pham-toi-gi-a119572.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.