Ngày 29/5, chiếc máy bay De Havilland Canada DHC-6-300 Twin Otter của Nepal đã bị rơi khoảng 15 phút sau khi cất cánh từ thị trấn du lịch Pokhara, cách Kathmandu 125 km về phía Tây. Trên máy bay khi ấy có 2 người Đức, 4 người Ấn Độ và 16 người Nepal.
Theo lực lượng chức năng, may bay đang trên hành trình đi đến Jomsom, một địa điểm du lịch và hành hương nổi tiếng, cách Pokhara 80 km về phía Tây Bắc, trong một chuyến bay kéo dài 20 phút.
Người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) Deo Chandra Lal Karna cho biết chiếc máy bay chỉ có máy ghi âm để lưu giữ các cuộc trò chuyện giữa các trạm kiểm soát không lưu.
Chia sẻ với Reuters, ông Deo Chandra Lal Karna thông tin: "Không có gì ngoài đống đổ nát tại địa điểm máy bay rơi. Thi thể tất cả các nạn nhân và hộp đen máy bay đã được tìm thấy".
Chiếc máy bay gặp nạn thuộc hãng hàng không tư nhân Tara Air. Máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1979. Xác máy bay đã được tìm thấy ở vùng núi Nepal. Lực lượng cứu hộ đã trục với được 21 thi thể từ đống đổ nát, nằm rải rác trên một sườn dốc ở độ cao khoảng 4.400m vào ngày 30/5. Thi thể nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy sau đó.
Thi thể của 10 nạn nhân đã được đưa đến Kathmandu vào ngày 30/5, 12 thi thể còn lại sẽ được chuyển đến thủ đô vào ngày 31/5 và được trao trả lại cho gia đình sau khi khám nghiệm tử thi và nhận dạng.
Chính phủ Nepal đã thành lập một hội đồng gồm 5 thành viên để xác định nguyên nhân máy bay rơi và đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không. Nepal, nơi có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest, là một trong quốc gia từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn hàng không.
Đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines từ Dhaka đến Kathmandu đã gặp sự cố khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trong số 71 người trên máy bay thiệt mạng. Năm 1992, tất cả 167 người trên một chiếc máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan cũng đã thiệt mạng khi máy bay lao xuống một ngọn đồi trong lúc cố gắng hạ cánh tại Kathmandu.
Minh Hạnh (Theo CBC)