Ngày 30/5, Lực lượng cứu hộ của Nepal đã đưa 14 thi thể nạn nhân ra khỏi những mảnh vỡ của chiếc máy bay De Havilland DHC-6-300 Twin Otter do hãng hàng không tư nhân Tara Air vận hành.
“Một số thi thể không thể nhận dạng. Cảnh sát đang thu thập các thi thể”, thanh tra Raj Kumar Tamang, lãnh đạo nhóm cảnh sát, cho biết.
Giới chức địa phương cho biết mảnh vỡ của chiếc máy bay ở độ cao khoảng 3.800-4.000 m so với mực nước biển. Do địa hình hiểm trở nên lực lượng cứu hộ đã được máy bay trực thăng đưa xuống gần đó. Tuy nhiên, hiện chưa thể tiến hành thêm các chuyến bay do mây mù.
Trước đó, giới chức quân đội công bố các đội tìm kiếm của Nepal đã xác định được vị trí đống đổ nát của chiếc máy bay mất tích. Một hình ảnh được ông Silwal chia sẻ trên Twitter cho thấy các mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác trên sườn núi.
“Chúng tôi nghi ngờ toàn bộ hành khách trên máy bay đã thiệt mạng. Đánh giá sơ bộ của chúng tôi cho thấy không ai có thể sống sót sau vụ tai nạn, nhưng thông báo chính thức sẽ được đưa ra sau”, người phát ngôn Phadindra Mani Pokhrel của Bộ Nội vụ Nepal tuyên bố, theo Times of India.
Máy bay DHC-6-300 Twin Otter chở 22 người cất cánh vào sáng 29/5, dự kiến thực hiện hành trình dài 20 phút nhưng đã mất liên lạc với tháp điều khiển 5 phút trước khi hạ cánh.
Trên chuyến bay có 19 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn, bao gồm 13 công dân Nepal, 4 công dân Ấn Độ và 2 công dân Đức. Quốc tịch của các hành khách còn lại chưa được xác định. Giới chức Nepal nhận định nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là thời tiết xấu.
Nepal, nơi có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả Everest, đạt kỷ lục buồn về các vụ tai nạn hàng không. Thời tiết tại đây có thể thay đổi đột ngột và các đường băng thường nằm ở những vùng núi khó tiếp cận.
Đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines khởi hành từ Dhaka đến Kathmandu đã gặp sự cố khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trong số 71 người trên máy bay thiệt mạng.
Mộc Miên (Theo Usnews)