(ĐSPL) - “Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân (TCYD) thể hiện sự trọng dân, tin dân, lấy dân làm gốc của lãnh đạo Nhà nước. Luật TCYD sớm được ban hành sẽ góp phần thiết thực giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ”, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh tại phiên họp sáng ngày 28/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (ảnh Thành Long) |
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Trình bày về tầm quan trọng của Dự án Luật TCYD tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận định: việc xây dựng Luật TCYD đã được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị; Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Việc ban hành Luật TCYD là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; từ đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào các công việc của Nhà nước và xã hội.
Được biết, để triển khai xây dựng Dự án Luật, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, tiến hành khảo sát lấy ý kiến tại 63 tỉnh/thành phố, tham khảo kinh nghiệm từ các nước bạn… Dự kiến, Dự án Luật TCYD bao gồm: 9 chương, 56 Điều, cụ thể là: điều chỉnh việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; quyền kiến nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
Theo tờ trình Dự án luật, hiện có 3 kiến nghị đề xuất đơn vị phụ trách TCYD. Đa số cho rằng, do hoạt động trưng cầu ý dân không diễn ra thường xuyên, cơ cấu của đơn vị này nên gọn nhẹ, không nhất thiết phải thành lập một bộ máy mới cồng kềnh, tốn kém. Ngoài ra, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở cấp độ toàn quốc nên do Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thành lập cơ quan giúp việc. Việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.
167/214 quốc gia đã có luật, quy định pháp lý về Luật TCYD Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật TCYD. Cho đến nay đã có 167/214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về TCYD. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. |
Một số ý kiến cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần thành lập Ủy ban trưng cầu ý dân TƯ. Đơn vị này sẽ hỗ trợ Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân và chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Một số đại biểu khác đề xuất, nên giao nhiệm vụ tổ chức trưng cầu ý dân cho Hội đồng bầu cử Quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Tuy nhiên, theo Điều 117, khoản 1, Hiến pháp 2013: Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Như vậy, Hội đồng bầu cử trung ương không có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân, mà việc tổ chức trưng cầu ý dân phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện. Hơn nữa, tính chất và mục đích của một cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn khác với một kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, do vậy không thể giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện.
Trưng cầu ý dân nên tiến hành ở cấp toàn quốc
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khẳng định: Dự án Luật TCYD đã được chuẩn bị công phu, Hồ sơ trình dự án Luật TCYD cũng đã hoàn thiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo ông Phan Trung Lý, trên cơ sở ý kiến đánh giá sơ bộ của Thường trực Ủy ban pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện, bổ sung quy định về các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc trưng cầu ý dân.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, theo ông Phan Trung Lý, dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc . Quy định này phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, trong đó nêu rõ: các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân. Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh: trưng cầu ý dân nên tiến hành ở cấp toàn quốc, không thực hiện ở cấp địa phương.
Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, báo cáo thẩm tra của UBPL thống nhất với phương án 1 của dự thảo Luật, tức là bao gồm các chủ thể: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
ANH ĐỨC - VĂN CHƯƠNG