Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, bẩm báo những việc làm tốt và xấu, những việc làm được và chưa làm được của chủ nhà với Ngọc Hoàng.
Vào ngày này, các gia đình bận rộn chuẩn bị mâm lễ, lau don ban thờ, dọn dẹp không gian thời tự. Bên cạnh những đồ quan trọng như quần áo, mũ, hia, mẫm cỗ mặn, hoặc chay, hoa, trà, rượu, vàng mã..., cá chép chính là lễ vật không thể thiếu.
Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn rằng cúng ông Công ông Táo có thể thay cá chép thật bằng cá giấy được hay không.
Về vấn đề này, Lao Động dẫn lời GS Nguyễn Chí Bền cho biết trước đây và cả bây giờ, ở các vùng quê, người dân vẫn dùng cá chép giấy, tức là đồ mã, cùng với mũ áo và mâm cỗ mặn để cúng ông Công ông Táo. Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.
Dân gian quan niệm, sau khi hóa, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay lên trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình trong năm qua và xin cho gia chủ có một năm mới bình an, no ấm.
Theo GS Nguyễn Chí Bền, cúng ông Công ông Táo bằng cá chép giấy hay cá chép thật đều được. GS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng có cùng quan điểm với GS Nguyễn Chí Bền.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể dùng cá chép thật, sau đó thực hiện tục lệ thả phóng sinh, còn không thì có thể dùng cá chép giấy. Ngoài ra, nếu dùng cá chép thật sẽ mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân vì hiện nay có những làng nghề nuôi cá chép, phục vụ cho ngày lễ ông Công ông Táo.
Trong khi đó, chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông nhận định việc cúng cá chép giấy hay cá chép thật thực tế chỉ là quan niệm do con người đặt ra. Thậm chí, ngay cả việc cúng cá chép sống bây giờ cũng rất khác so với ngày xưa.
Ông Tuệ nói: “Đối với việc nên cúng cá giấy hay cá thật thì theo phong tục cổ truyền từ xa xưa, người dân sẽ dùng cá chép sống để cúng Táo Quân. Bởi sau khi cúng, cá chép được thả ra môi trường, khi gặp Vũ Môn cá chép mới có thể ‘hóa rồng’ lên trời được. Còn cúng cá chép giấy thì lại mang ý nghĩa khác, giống như việc đốt vàng mã vậy”.
Theo ông Tuệ, xưa kia khi cúng, đa phần người dân phải chọn những con cá chép sống có trọng lượng lớn vì cho rằng cá đó khi thả ra mới sớm “hóa rồng”. Trong khi đó, ngày nay, cá chép cúng Táo Quân đã được lai tạo, dù màu đẹp nhưng lại rất nhỏ, hơn nữa sau khi cúng thả ra môi trường sẽ gây nên những vấn đề liên quan tới môi sinh.
Đinh Kim(T/h)