Theo CCTV, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, mặc dù các nước phương Tây tuyên bố không can thiệp trực tiếp vào xung đột nhưng vẫn viện trợ vũ khí cho Kiev. Trong các ngày 13 và 14/2 (giờ địa phương), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg liên tiếp tuyên bố rằng khối này cần đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn dược để đảm bảo cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine.
Cụ thể, ông Stoltenberg hôm 13/2 cho biết, tốc độ tiêu thụ đạn dược hiện tại của Ukraine "gấp nhiều lần" so với tốc độ sản xuất của NATO, kho dự trữ của các quốc gia thành viên NATO "đang không ngừng cạn kiệt" và NATO cần phải "tăng tốc sản xuất để cung cấp vũ khí cho Ukraine".
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 1.600 tên lửa phòng không vác vai Stinger và 8.500 tên lửa chống tăng vác vai Javelin. Chủ tịch tập đoàn vũ khí Raytheon Technologies của Mỹ cho biết con số này tương đương với 13 năm sản xuất Stinger và 5 năm sản xuất Javelin.
Trước sự leo thang của xung đột giữa Nga và Ukraine, kho đạn dược của nhiều quốc gia thành viên NATO đã không đạt đến giới hạn tối thiếu mà khối yêu cầu. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết "nếu giả sử có một cuộc xung đột xảy ra, một số quốc gia châu Âu sẽ hết đạn trong vài ngày".
Tại phiên họp cấp bộ trưởng ngày 14/2, ông Stoltenberg một lần nữa khẳng định NATO sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine để đảm bảo Ukraine có được vũ khí cần thiết.
“Đây là một cuộc chiến tiêu hao và cũng là một cuộc chiến hậu cần. Ukraine cần nhiều vũ khí hơn để có thể giành phần thắng", Tổng thư ký NATO nói và cho biết loại hỗ trợ nào sẽ được cung cấp vẫn đang được thảo luận giữa các quốc gia thành viên.
Trước đó, ông Stoltenberg tuyên bố NATO đã hoàn thành một cuộc khảo sát về kho đạn dược của các quốc gia thành viên. Ông cho rằng nếu NATO muốn đảm bảo hỗ trợ bền vững cho Ukraine thì "họ phải tăng nguồn cung cấp đạn dược".
Một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Estonia cho biết, trong nội bộ NATO, chỉ Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic có thể đẩy nhanh tiến độ sản xuất các loại đạn dược thích ứng với thiết bị do Liên Xô sản xuất mà Ukraine vẫn đang sử dụng. Ngoài ra, NATO đang tìm cách đặt mua đạn dược từ các nước bên ngoài như Hàn Quốc, Maroc hay Jordan.
Hoa Vũ (Theo CCTV)