Ngày 5/7 (giờ địa phương), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác nhận rằng họ "không có kế hoạch" thành lập các căn cứ mới ở Phần Lan và Thụy Điển sau thông báo khởi động quá trình phê chuẩn kết nạp hai nước, Daily Mail đưa tin.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cho biết, Thụy Điển và Phần Lan đã sở hữu "lực lượng quốc gia đáng gờm", có khả năng tự vệ trước sự tấn công của nước khác. "Chúng tôi không có kế hoạch đặt các căn cứ của NATO ở hai quốc gia này, bởi vì họ có sức mạnh về quân sự và chiến lược rất cao", ông nhấn mạnh.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng: "Nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó (Phần Lan và Thụy Điển), chúng tôi sẽ có nghĩa vụ phản ứng một cách tương ứng và đưa ra những mối đe dọa tương tự đối với những vùng lãnh thổ tạo ra mối đe dọa với chúng tôi".
Cũng trong ngày 5/7, 30 nước thành viên NATO đã ký một nghị định thư, bắt đầu phê chuẩn việc kết nạp 2 quốc gia Phần Lan và Thuỵ Điển vào khối. Được biết, đây là một sự mở rộng quan trọng nhất của liên minh kể từ những năm 1990.
Người đứng đầu liên minh quân sự Jens Stoltenberg nói với các phóng viên trong một tuyên bố báo chí chung với ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan: “Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử đối với Phần Lan, Thụy Điển và NATO. Với 32 quốc gia trong NATO, khối sẽ trở nên mạnh hơn nữa và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ".
Được ký nghị định thư gia nhập đồng nghĩa với việc Helsinki và Stockholm có thể tham gia các cuộc họp của NATO và tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo. Tuy nhiên, Phần Lan và Thuỵ Điển hiện vẫn chưa được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ quốc phòng của NATO, quy định một cuộc tấn công vào một đồng minh là một cuộc tấn công vào toàn khối, cho đến khi họ chính thức được phê chuẩn tư cách thành viên. Quá trình này có thể sẽ mất tới 1 năm.
Tại một hội nghị thượng đỉnh đồng minh ở Madrid năm 1997, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã được mời tham gia nhóm, trong đợt đầu tiên của một xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO, sự kiện này được coi là một thành tựu của phương Tây nhưng đã khiến Nga phẫn nộ.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo cả Phần Lan và Thuỵ Điển không nên gia nhập NATO. Ngày 12/3, bộ Ngoại giao Nga cho biết "sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị".
Theo đó, ông Stoltenberg kêu gọi các đồng minh nhanh chóng phê chuẩn và đảm bảo 2 nước Bắc Âu sẽ nhận được sự hỗ trợ của NATO trong thời gian chờ đợi.
Bích Thảo(Theo Daily Mail)