Tàu thăm dò Mặt Trời Parker cất cánh lúc 14h33 ngày 11/8 (giờ Việt Nam), bay với tốc độ gần 700.000 km/h đến tầng khí quyển bên ngoài cách bề mặt Mặt Trời 6,4 triệu km.
Sứ mệnh "chạm vào Mặt Trời" của taifu Parker được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học NASA hiểu vì sao vành nhật hoa có nhiệt độ nóng hơn rất nhiều so với bề mặt của Mặt Trời. Ảnh: NASA |
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sẽ khởi động sứ mệnh lịch sử mang tên "chạm vào Mặt Trời" với tàu thăm dò mang tên Parker. Tàu Parker sẽ tiếp cận bầu khí quyển với nhiệt độ thiêu đốt của Mặt Trời, thực hiện sứ mệnh khám phá chưa từng có của nhân loại.
Được biết, thiết bị thăm dò sẽ được phóng từ Mũi Canaveral, Florida. Cửa bệ phóng sẽ mở trong 65 phút, bắt đầu từ 3h33 sáng 11/8 (giờ địa phương, tương đương 14h33 cùng ngày theo giờ Hà Nội). NASA cho biết dự báo thời tiết 70% thuận lợi cho tàu cất cánh.
Theo kế hoạch, tàu Parker sẽ bay 24 vòng quanh Mặt Trời và tận dụng lực hấp dẫn của sao Kim để thu hẹp dần quỹ đạo. Ở vòng đầu tiên, con tàu sẽ bay cách bề mặt Mặt Trời khoảng 24 triệu km, và dự kiến mất gần 7 năm (kể từ ngày phóng) để thu hẹp khoảng cách xuống còn 6 triệu km ở vòng cuối cùng, khoảng cách gần Mặt Trời nhất từ trước tới nay.
Để có thể bảo vệ được các thành phần điện tử bên trong Parker – những thứ hoàn toàn có thể bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao từ Mặt Trời, các nhà nghiên cứu tại NASA đã phát triển một loại khiên nhiệt carbon "mang tính cách mạng", gắn vào bên ngoài con tàu Parker để nó có thể thực hiện sứ mệnh Mặt Trời một cách an toàn. Tấm khiên nhiệt đã chống chịu được cả nhiệt độ lạnh cóng lẫn cái nóng kinh hoàng.
Bằng việc vươn tới gần Mặt Trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đây trong lịch sử, mục tiêu chính của chuyến thăm dò lần này là hé lộ bí mật về vành nhật hoa, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời. Khu vực này không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt Mặt Trời mà còn là nơi tán xạ bức xạ điện từ, gây ra bão Mặt Trời thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái Đất.
Tàu Parker sẽ bay xuyên qua phần ngoài cùng của vành nhật hoa với tốc độ lên tới 700.000 km/h, nhanh tới mức có thể bay từ Philadelphia tới Washington chỉ trong một giây và từ New York tới Tokyo trong chưa đầy một phút, biến nó trở thành vật thể nhân tạo bay nhanh nhất trong hệ Mặt Trời.
“Chúng tôi sẽ tới Mặt Trời với một khoảng cách gần hơn 7 lần bất kì sứ mệnh Mặt Trời nào trước đây”, chuyên gia Nicola Fox tới từ NASA nói. “Chúng tôi sẽ theo dõi liên tục vầng hào quang kia, đo đạc mọi thứ có thể”.
Vi An (T/h)