Ngày 25/10 (giờ địa phương), NASA cho biết thiết bị quang phổ kế hình ảnh của họ đã phát hiện 50 điểm "siêu phát thải" khí metan (methane) ở Trung Á, Trung Đông và Tây Nam Mỹ.
Các "điểm nóng" khí metan mới được đo lường này bao gồm cả những điểm cũ và mới được phát hiện, là nơi đặt các cơ sở dầu khí và các bãi chôn lấp lớn.
Quang phổ kế được chế tạo chủ yếu để xác định thành phần khoáng chất của bụi thổi trong khí quyển từ các sa mạc trên Trái đất và các vùng khô cằn khác bằng cách đo bước sóng ánh sáng phản xạ từ bề mặt đất ở những khu vực đó.
Nghiên cứu này, được đặt tên là Điều tra bụi khoáng bề mặt Trái đất của NASA (EMIT), sẽ giúp các nhà khoa học xác định xem liệu bụi trong không khí ở các khu vực khác nhau trên thế giới có khả năng giữ hoặc làm thay đổi hướng nhiệt từ mặt trời, qua đó góp phần làm ấm hoặc làm mát hành tinh hay không.
Theo các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm JPL của NASA gần Los Angeles (Mỹ), nơi thiết bị được thiết kế và chế tạo, khí metan hấp thụ ánh sáng hồng ngoại theo một mô hình độc đáo mà máy quang phổ của EMIT có thể dễ dàng phát hiện.
Ông Andrew Thorpe, một nhà công nghệ nghiên cứu JPL dẫn đầu các nghiên cứu về khí metan, chia sẻ: "Một số chùm khí metan mà EMIT phát hiện là một trong số những chùm khí lớn nhất từng được nhìn thấy, không giống bất kỳ thứ gì từng được quan sát từ không gian".
Là sản phẩm phụ của quá trình phân hủy vật chất hữu cơ và là thành phần chính của khí tự nhiên được sử dụng trong các nhà máy điện, khí metan chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải nhà kính do con người gây ra nhưng có khả năng giữ nhiệt cao hơn khoảng so với carbon dioxide (CO2).
Trong khi CO2 tồn tại trong khí quyển hàng thế kỷ, khí metan chỉ tồn tại khoảng một thập kỷ, cho thấy việc giảm phát thải khí methane sẽ có có tác động tức thời hơn đến sự ấm lên của hành tinh.
Các nhà khoa học ước tính các chùm khí ở Turkmenistan thải ra khí metan với tốc độ 50.400kg mỗi giờ, ngang với lưu lượng cực lớn từ vụ nổ mỏ khí Aliso Canyon năm 2015 gần Los Angeles, được xếp vào danh sách một trong những vụ rò rỉ khí metan lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Hai điểm phát thải lớn khác là một mỏ dầu ở New Mexico và một khu liên hợp xử lý chất thải ở Iran, thải ra gần 29.000 kg khí metan mỗi giờ. Theo JPL, trước đây, các nhà khoa học không biết đến 2 địa điểm này.
Minh Hạnh (Theo Reuters)