Nộp ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, ngành Bia đang là ngành quan trọng trong sản xuất công nghiệp và nền kinh tế nước ta.
Theo Báo cáo sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2015 sản lượng bia các loại ước đạt 1532,5 triệu lít, tăng 5,6\% so với cùng kì. Trong đó, sản lượng bia các loại của Tổng Công ty CP Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội ước đạt 308,7 triệu lít, tăng 6,3\%; Tổng Công ty CP Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 664,6 triệu lít, tăng 0,2\%.
Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải Khát Việt Nam cho biết: “Mặc dù nền kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn và thách thức song tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng bia toàn ngành đạt 1.218 triệu lít, tăng 5.4\% so với cùng kì năm 2014. Trong đó riêng SABECO, HABECO, Bia Việt Nam và Carlberg chiếm trên 95\% tổng sản lượng bia của Việt Nam”.
Thu nộp ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm
Bảng dữ liệu của Công ty S.S. Steiner – USA, năm 2013, chỉ ra rằng Việt Nam xếp hạng thứ 52 tính theo sản lượng bia bình quân đầu người, ở mức trung bình thấp trên thế giới. Lượng bia tiêu thụ của người Việt Nam là 34,3 lít/người, hiện vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong đó, Lào dẫn đầu với 50,8 lít/người; tiếp đến là Nhật Bản 44 lít/người; Hàn Quốc 42,8 lít/người; Thái Lan 38,1 lít/người; Trung Quốc 37,3 lít/người.
Được liệt vào loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 50\% hiện nay và lộ trình trong 3 năm tới sẽ tăng 5\% mỗi năm theo quyết định của Quốc hội khóa XIII, sản xuất bia là ngành mang lại lợi nhuận cao.
Theo Báo cáo điều tra gần đây của Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương, sản lượng bia cả nước năm 2010 là 2.420 triệu lít, năm 2012 là 2,978 triệu lít. Năm 2008, lợi nhuận trước thuế của ngành bia chỉ đạt 2,318 tỷ đồng, đến năm 2013 là 10,150 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo này, năm 2012 tính riêng khu vực sản xuất bia, nộp ngân sách của các doanh nghiệp chiếm gần 4,5\% số thu ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh (không kể thu từ dầu thô, hải quan và viện trợ không hoàn lại), đạt 19.134, 9 tỷ đồng. Trong đó riêng thuế tiêu thụ đặc biệt là 12.987,4 tỷ đồng, thuế VAT là 3.014 tỷ đồng, còn lại là thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu khác. Một loạt các hoạt động khác ở khu vực dịch vụ, thương mại, vận tải, bán buôn, bán lẻ ... hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng phát sinh những khoản thu đáng kể cho ngân sách. Tổng các nguồn thu khác liên quan tới bia năm 2012 là 11.705 tỷ đồng: thuế VAT từ dịch vụ là 4924,6 tỷ đồng, thuế VAT từ bán lẻ là 2.457 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 2724 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu là 244 tỷ đồng...
Đáng chú ý, báo cáo này chỉ ra vào năm 2012, số lao động làm việc tại các nhà máy sản xuất bia là 67.705 người, trong đó có 3.220 người làm thời vụ. Tại các cơ sở dịch vụ, cửa hàng kinh doanh bia, số lao động là 186.311 người, riêng nhân viên nhà hàng là 173.400 người. Ngoài ra, để ngành bia sản xuất, tiêu thụ ổn định đòi hỏi có những hoạt động hỗ trợ từ các ngành khác như nông nghiệp, công nghiệp bao bì, đóng gói, vận tải, makerting ... với tổng lao động tham gia là 40.666 người.
Ông Việt chia sẻ: “Con số giải quyết lao động của ngành khá ấn tượng. Tính từ năm 1990, sau gần 25 đổi mới, ngành Đồ uống cũng như ngành bia đã hòa nhịp và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước.
Hiện nay, chúng ta đang hội nhập ASEAN, trong nền kinh tế mở cửa, nhiều tập đoàn nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam gây ra sự cạnh tranh và sức ép lớn cho các doanh nghiệp Việt. Bên cạnh sự phụ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài thì các chính sách cũng tác động trực tiếp đến ngành như “Dự thảo Luật Phòng chống tác hại lạm dụng các chất có cồn” hay “Đề án nâng cao năng lực quản lí, sản xuất ngành bia”.
Nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập
Đánh giá về việc quy hoạch phát triển ngành Bia Việt Nam, TS. Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết: “ Đa số các doanh nghiệp đã và đang sử dụng các hệ thống sản xuất tiêu chuẩn ISO, HACCP. Các nhà máy bia công suất lớn đều có phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm và lưu mẫu. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm do các hộ gia đình, tư nhân sản xuất vẫn chưa được quản lí, kiểm soát nghiêm ngặt.
Xác định tầm nhìn đến năm 2025, Nhà nước cần chỉ đạo lập quy hoạch phát triển và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; thông qua hoạt động của hai Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội và Sài Gòn tham gia điều tiết thị trường theo hướng của Chính phủ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành theo quy định của Nhà nước; phát hiện và xử lí kịp thời hiện tượng vi phạm bản quyền (làm giả, nhái nhãn hiệu …) và gian lận thương mại gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Cần nâng cao hiệu quả các nhà máy hiện có, nhất là những thương hiệu lớn; Mở rộng hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các hãng thế giới để sản xuất bia cao cấp; Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phâm, năng lực cạnh tranh, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng”.
Trước những khó khăn của nền kinh tế năm 2015, để tiếp tục phát triển và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hồ Thị Kim Thoa nêu lên: “ Nền kinh tế 6 tháng đầu năm có tín hiệu khởi sắc, ngành bia có tăng trưởng nhưng xu hướng giảm dần.Các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm, nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo các sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Hiệp hội có chất lượng cao, an toàn và đảm bảo môi trường…
Về phía Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cần tiếp tục phản ánh những vướng mắc kịp thời với Bộ. Để hội nhập thành công, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần có những chương trình truyền thông, tập huấn để chuẩn bị tốt. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, giữ vững uy tín và củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhằm duy trì và phát triển thị trường trong nước. Tìm hiểu kĩ các chính sách Nhà nước, các cam kết giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, TBT, SPS áp dụng đối với các loại đồ uống để đảm bảo sản phẩm sản xuất đáp ứng yêu cầu trong nước và sản phẩm xuất khẩu được hưởng ưu đãi từ Hiệp định mà Nhà nước đã kí kết”.
HOÀNG HÀ/An ninh Tiền tệ