(ĐSPL) - Ngồi 30 phút uống chanh đá bị tính thêm tiền... phụ thu máy lạnh, một bát phở thêm 2 chiếc quẩy phải trả 600 nghìn đồng là những chiêu "chặt chém" người tiêu dùng gây xôn xao dư luận.
Uống cốc chanh đá bị thu tiền điều hòa 20 ngàn
Phiếu thanh toán gây xôn xao với phần phụ thu máy lạnh 20.000 đồng. |
Thời gian gần đây, một hóa đơn thanh toán của quán cafe được cho là ở Sài Gòn vào thời gian là ngày 23/6 vừa qua khiến nhiều người xôn xao. Theo những thông tin trên hóa đơn, có thể thấy một khách hàng vào quán lúc 20h20, dùng một ly đá chánh với giá 23.000 đồng nhưng cuối cùng phải trả tổng cộng 43.000 đồng vì phụ thu thêm 20.000 đồng tiền... máy lạnh.
Thời gian vị khách ngồi ở quán chỉ hơn 30 phút (thanh toán vào lúc 20h56) nhưng phải trả thêm tiền phụ thu máy lạnh khiến nhiều người không đồng tình. Một người dùng mạng bình luận: "Đã là cafe máy lạnh thì giá thức uống cũng đã bao gồm phí tiền điện, tiền máy lạnh ở trong đó chứ. Hơn nữa, chỉ ngồi trong khoảng thời gian ngắn mà lại phụ thu đến 20.000 đồng là quá đắt!"
Thực tế, một số quán cafe hiện nay vẫn có hình thức phụ thu như phụ thu từ 30.000-50.000 đồng/người cho những đêm nhạc, kịch tại quán, hoặc phụ thu từ 15.000 - 25.000 đồng cho những vị khách nào vào quán nhưng không gọi món, có quán còn phụ thu thêm một số khoản tiền nhất định nếu khách mang đồ ăn, thức uống từ bên ngoài vào.
Tuy nhiên, các quán cafe này sẽ ghi rõ phí phụ thu trong thực đơn của quán, hoặc nhân viên thông báo khi khách vừa ngồi vào bàn. Hình thức phụ thu tiền máy lạnh hầu như chưa có quán cafe nào từng áp dụng trước đây.
800 nghìn đồng 2 bát phở
“Mấy hôm nay các báo mạng nói quá nhiều đến chuyện khách du lịch bị “chặt chém”, ép giá tại các khu du lịch, điều này chẳng khác gì ăn cắp, cướp giật của người khác.Ép giá chắc chắn ảnh hưởng đến du lịch VN, các cơ quan chức năng phải có hành động ngăn chặn việc này lại”.
Đó là phát biểu của ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm của Bộ VH-TT&DL diễn ra ngày 3-7 ở Hà Nội.
Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng việc “chặt chém” khách du lịch chắc chắn làm ảnh hưởng đến du lịch VN và làm xấu hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương có khu du lịch phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở kinh doanh cố tình không niêm yết giá công khai để bắt chẹt du khách.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Tuấn Anh kể một câu chuyện buồn về du lịch Hà Nội khi ông đọc được trên một tờ báo điện tử với nội dung: Hai vợ chồng Việt kiều vào một quán phở tại Hà Nội ăn, sau khi ăn xong ra tính tiền chủ quán đòi 800.000 đồng cho hai bát phở.
Hai vợ chồng này không hài lòng và thắc mắc với chủ quán thì được người chủ này đáp lại bằng cách chém con dao xuống mặt bàn và quát “không nói nhiều”. Sau đó các vị khách phải trả 800.000 đồng rồi lẳng lặng ra về.
Khách thắc mắc chuyện hai bát phở giá 800.000 đồng, chủ quán đáp lại bằng cách chém con dao xuống mặt bàn và quát “không nói nhiều”. (Ảnh minh họa) |
Sau khi ông Hoàng Tuấn Anh kể xong câu chuyện, ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, cho biết sẽ cho kiểm tra để tìm ra cửa hàng đã “chặt chém” các vị khách này. Ông Tiến nói: Hà Nội hiện nay có đường dây nóng để xử lý những vụ “chặt chém”, chèo kéo khách du lịch và hoạt động rất hiệu quả, giúp phanh phui nhiều vụ việc tương tự.
Tuy nhiên, khi ông Hoàng Tuấn Anh đề nghị ông Tiến đọc số điện thoại đường dây nóng thì ông Tiến cho biết ông không nhớ khiến cả hội nghị xôn xao.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, cho biết mới đây dư luận xôn xao với hóa đơn con gà giá 600.000 đồng của khách du lịch được cho là bị “chặt chém” tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Qua kiểm tra, địa phương đã tìm được vị khách ăn thịt gà này ở Ninh Bình nhưng do khách nói một kiểu, chủ nhà hàng nói một đằng nên Sở VH-TT&DL Thanh Hóa chưa kết luận được có “chặt chém” ở đây hay không.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết trước ảnh hưởng bất lợi từ sự suy giảm một số thị trường nói tiếng Hoa từ cuối năm 2014, biến động kinh tế chính trị tại một số khu vực... khiến tổng lượng khách quốc tế đến VN sụt giảm.
Tháng 6-2015, tổng lượng khách chỉ đạt hơn 529.445 lượt, giảm 8,2\% so với tháng 5 và giảm 1,9\% so với tháng 6-2014. Tổng lượng khách quốc tế đến VN sáu tháng đầu năm 2015 ước đạt 3,8 triệu lượt, giảm 11,3\% so với cùng kỳ 2014. Khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 1,7\% so với cùng kỳ 2014.
Trong số các thị trường giảm mạnh thì thị trường khách Trung Quốc, Nga đã giảm tới 35\%. Năm 2015, VN dự kiến đón khoảng 1 triệu khách du lịch đến từ Hàn Quốc (thị trường khách lớn thứ hai sau Trung Quốc), tuy nhiên theo ông Tuấn, do tai nạn máy bay và dịch MERS thời gian qua khiến khách Hàn Quốc và một số thị trường khác có tâm lý e ngại.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, dù giảm số lượng khách du lịch quốc tế nhưng tổng thu từ hoạt động du lịch lại tăng 1,7\% là do chi tiêu của khách du lịch tăng.
[mecloud]D3G5GlkVeR[/mecloud]
Giăng bẫy du khách như “thập diện mai phục”
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, chưa bao giờ dư luận lại bức xúc vì nạn “chặt chém” du khách trong mùa cao điểm như hiện nay. Từ người bán hàng rong (trái dừa 100.000 - 200.000 đồng) đến người chạy xe ôm (cuốc xe gần triệu bạc), từ xích lô (mấy triệu bạc cho 20 phút ngồi xe) cho tới chủ quán ăn, nhà hàng (“ảo thuật” cua lớn - nhỏ, sống - chết...).
Tất cả giăng bẫy du khách như “thập diện mai phục” chỉ nhằm mục đích duy nhất là thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình.
Có người chép miệng: “Sao du lịch giờ nhiễu nhương thế?”. Xin thưa: “Nhiễu nhương lâu rồi nhưng không xử lý rốt ráo được”.
Gần đây, khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng thừa nhận sáu nỗi sợ hãi của du khách khi đến Việt Nam, nhiều người “giả bộ” giật mình. Còn doanh nghiệp du lịch thì vui mừng. Khi Chính phủ thừa nhận vấn nạn, ắt sẽ có kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh. Du khách cũng tin tưởng hơn, chịu khó phản ảnh các trường hợp “chặt chém”.
Những trường hợp báo chí nêu chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng vấn nạn. Bởi phần lớn du khách không muốn dây dưa, sợ liên lụy, trả thù và không tin vào tính nghiêm minh của luật pháp.
Trong sáu nỗi sợ hãi của du khách khi đến Việt Nam, chúng ta không thể dàn hàng ngang giải quyết cùng lúc. Phải chọn cái nào bức xúc nhất và giải quyết dứt điểm từng phần một. Đã đến lúc cả xã hội phải tuyên chiến với nạn “chặt chém” vì càng chần chừ càng đồng nghĩa với tự giết mình.
Đó là những hành vi làm xấu hình ảnh của các địa phương và cả đất nước, cực kỳ nguy hại, không thể chấp nhận. Những vấn nạn này lâu nay chỉ nổi cộm ở một số địa phương, vùng du lịch và đang có nguy cơ lây lan sang nhiều tỉnh khác. Không thể nói người dân những vùng đó xấu hơn các vùng khác. Chỉ có thể kết luận “chính quyền tại chỗ lơ là quản lý và thiếu kiên quyết”.
Giải quyết nạn “chặt chém” không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ cần mấy biện pháp giản đơn và từ 3 - 4 tháng là dứt điểm.
Thứ nhất, tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần số tiền “chặt chém” và rút giấy phép kinh doanh, nếu cần thì cấm hành nghề vĩnh viễn.
Thứ hai, địa phương nào để xảy ra vấn nạn, lần đầu cảnh cáo chủ tịch và trưởng công an, lần hai hạ bậc lương, lần ba cách chức.
Thứ ba, buộc mọi người buôn bán niêm yết giá, cam kết chất lượng.
Thứ tư, lập đường dây nóng giải quyết vấn nạn tới nơi tới chốn.
Thứ năm, khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ du khách cũng như người dân đấu tranh triệt để với các vấn nạn. Không cần lập ban bệ, cứ theo chức trách mà làm.
Kế hoạch phải cụ thể từng tuần để sau ba tháng là dứt điểm vĩnh viễn. Làm được vậy sẽ tạo niềm tin cho xã hội, động viên mọi người tích cực giải quyết các vấn nạn khác.
Đó cũng là cách PR hiệu quả và thiết thực nhất cho ngành du lịch, là ISO về tính cầu thị, lắng nghe và năng lực quản lý của chính quyền sở tại. Không còn đường lùi hoặc xuê xoa nhân nhượng.
Dứt điểm hoặc tự "chết" dần mòn. Vì vậy, không còn sự lựa chọn nào khác.
Ngọc Anh (Tổng hợp)