Cụ bà 103 tuổi trong lúc nằm võng đã bị ngã xuống đất. Bà nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng háng phải, hạn chế vận động.
Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi Trần Thị Cánh (ngụ tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Cần Thơ) có nhiều bệnh nội khoa kết hợp.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc bệnh viện cho biết trên Zing, tối 31/5, cụ bà Trần Thị Cánh được người thân đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau nhiều vùng háng phải, hạn chế vận động sau khi ngã từ võng xuống đất. Bà cụ còn có tiền sử tăng huyết áp và nhiều bệnh lý nội khoa tim mạch đang điều trị.
Ngày 4/6, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần thành công cho bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, tự ngồi và dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Sức khỏe của bà cụ 103 tuổi đang dần ổn định. (Ảnh: Zing) |
Trước đó, ThS.BS Lê Thị Thu Hương, bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, nếu nằm võng tạo cảm giác thoải mái, không gây bất cứ khó chịu nào cho cơ thể thì vẫn có thể nằm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tùy theo loại võng, độ cong của võng… việc nằm võng thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng lên một số cơ quan của cơ thể, như sẽ hạn chế hô hấp nếu quá gập người ra phía trước.
Do đó, nằm võng để ngủ thì chỉ nên sử dụng cho những giấc ngủ ngắn như ngủ trưa, còn ngủ dài như ngủ ban đêm thì rất không tốt vì tư thế nằm võng như vậy rất khó chịu, cơ thể bị bó hẹp ở tư thế nằm đầu cao, chân cao, ngực bị ép sẽ ảnh hưởng đến hô hấp, bệnh nhân dễ bị suy hô hấp, thiếu oxy não, làm giấc ngủ không có chất lượng.
Do vậy, người già trẻ nhỏ cần lưu ý khi nằm võng để tránh những nguy hiểm không đáng có.
Việt Hương (T/h)