Sau 3 tháng bị chó dại cắn, anh T. bị đau rát vùng họng, lên cơn sốt và có biểu hiện lên cơn dại. Mặc dù được gia đình đưa đến viện cấp cứu, nhưng anh T. tử vong.
Theo báo Tri thức Trực tuyến, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, tuần trước gia đình đưa anh Phạm Văn T. (21 tuổi, ngụ xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau họng, sợ nước, gió.
"Các y, bác sĩ mời uống nước thì bệnh nhân run, lo sợ, mắt ngơ ngác có biểu hiện lên cơn dại. Do bệnh chuyển biến nặng, chúng tôi đưa anh ta đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng đến ngày 25/2 đã tử vong", bà Phượng nói.
Ảnh minh họa |
Gia đình nạn nhân cho biết, cuối tháng 11/2017, T. đến nhà ông Phạm Văn Vụt (ngụ xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) thăm chơi thì bị một con chó nhỏ cắn vào ngón tay trỏ. 10 ngày sau khi cắn anh này, con chó mắc bệnh dại chết. Chủ quan không đi tiêm phòng vacxin, ba tháng sau, nạn nhân cảm thấy đau rát vùng họng, lên cơn sốt nên người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Báo Quảng Ngãi đưa tin, y sĩ Võ Thị Mỹ Vân- Cán bộ phụ trách tiêm phòng dại ở Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 29 Tết đến nay, phòng tiêm luôn có người trực để phục vụ người dân có nhu cầu tiêm phòng dại. Trong ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng, số bệnh nhân tăng đột biến gấp 6-7 lần so với ngày thường. Trong đó có rất nhiều trường hợp tiêm phòng dại là trẻ em. Nhiều em bé mới vài tháng tuổi bị chó, mèo cắn với vết thương nặng phải tiêm 5 mũi tiêm cùng huyết thanh kháng dại.
Các chuyên gia y tế khuyến cao, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vùng da bị trầy xước, người dân cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Tuyệt đối không được tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam; không giết mổ, chế biến và ăn thịt chó, mèo ốm chết.
Hoàng Yên (T/h)