+Aa-
    Zalo

    Cháu bé 9 tháng tuổi bị chó cắn đứt "cậu nhỏ" khi đang ngủ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong khi người dì 10 tuổi đang ngủ say, cháu bé 9 tháng tuổi bị chó cắn nát "cậu nhỏ". Do di chuyển quá lâu, bộ phận sinh dục của bé bị hoại tử không cứu được.

    Trong khi người dì 10 tuổi đang ngủ say, cháu bé 9 tháng tuổi bị chó cắn nát dương vật. Do di chuyển quá lâu, bộ phận sinh dục của bé bị hoại tử không cứu được, các bác sĩ phải cắt toàn bộ.

    Theo đó, ngày 5/12/2017, anh Giàng A Tòng (21 tuổi, trú xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết vào tháng 8/2017, vợ chồng anh đi làm nương, để con trai Giàng Mạnh Cần (9 tháng tuổi) ở nhà với em vợ 10 tuổi.

    Đang tuổi ăn tuổi lớn nên dì ngủ say, cháu nằm dưới đất bị con chó cắn nát bộ phận sinh dục. Do tình trạng của cháu rất nguy cấp nên bệnh viện địa phương đã yêu cầu người nhà chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

    Thời gian di chuyển quá lâu, bộ phận sinh dục của bé bị hoại tử không cứu được, các bác sĩ phải cắt toàn bộ.

    Tuy nhiên, bé Cần chỉ bị mất dương vật và vẫn còn tinh hoàn nên có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục với chi phí khoảng 10.000-15.000 đô la Mỹ.

    Bố mẹ cháu Cần đau xót khi biết con bị chó cắn đứt dương vật.

    Vừa thương con, vừa lo lắng về số tiền viện phí sẽ phải chi trả điều trị dài ngày cho con, chị Sổng Thị Dê (mẹ cháu bé) không kìm được nước mắt cho hay, suốt 4 tháng nay, vợ chồng chị đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh hết 16 triệu. Dù được bệnh viện hỗ trợ nhưng gia đình vẫn phải vay mượn nhiều nơi để có đủ tiền đóng viện phí cho con. Trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chị lại không có công việc ổn định, quanh năm chỉ biết làm nương để sống.

    Theo bà Trần Mai Anh, người sáng lập chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" (chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ - PV), các bác sĩ kết luận bé Cần chỉ bị mất dương vật và vẫn còn tinh hoàn.

    Trước kỳ phẫu thuật 3 tháng, bé Cần sẽ được sắp xếp để bác sĩ Việt Nam phẫu thuật đặt túi giãn da lên thành bụng, sau đó sẽ phải bơm thuốc theo định kỳ để làm giãn túi ra.

    Khi phẫu thuật tái tạo dương vật, phần da căng ở túi sẽ được sử dụng để cuốn thành bộ phận sinh dục cho bé Cần. Nếu thuận lợi thì sẽ đặt lại niệu đạo cho bé đi vệ sinh đúng.

    Bác sĩ người Ý Roberto Decastro, chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ, sẽ thực hiện ca phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục cho bé vào năm 2018.

    Cũng rơi vào trường hợp tương tự, trước đó, vào ngày 3/2/2017, một bé trai 34 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng dương vật bị chó cắn rách. May mắn thay, phần tổn thương chỉ là vùng da mềm, không ảnh hưởng đến các mô bên trong nên các bác sĩ tiên lượng phục hồi khá nhanh.

    Cách sơ cứu khi trẻ nhỏ bị chó cắn

    Khi trẻ bị chó cắn, điều quan trọng nhất là phụ huynh phải thật bình tĩnh đưa trẻ ra khỏi vòng nguy hiểm và thực hiện những sơ cứu ban đầu trước khi chuyển trẻ đến bệnh viện, đồng thời phải bắt và nhốt chó lại để theo dõi (nếu bị chó nhà cắn). Những bước sơ cứu được thực hiện như sau:

    - Thực hiện tốt việc xử lý vết thương bằng cách rửa sạch vết thương chó cắn dưới vòi nước chảy với xà phòng để làm sạch những vi khuẩn hoặc những bụi bẩn bám trên vết thương.

    - Trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm máu khoảng 5 phút đến 10 phút sau khi đã làm sạch vết thương. Nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, máu phun thành tia, cần tiến hành cầm máu trước bằng việc băng ép với cuộn băng thun hoặc miếng vải sạch mềm giúp phòng ngừa tình trạng mất máu. Luôn nâng chỗ vết thương cao hơn vị trí tim.

    - Khi làm sạch vết thương tuyệt đối không chà xát mạnh vì có thể làm vết cắn tổn thương nghiêm trọng hơn.
    - Sát trùng vết thương bằng dung dịch thông thường như cồn, nước muối loãng, oxy già, hoặc dung dịch Betadin... Tuyệt đối không khâu kín da hoặc băng kín vết thương.

    - Sau khi kết thúc sơ cứu, lập tức đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tốt nhất là sau vài giờ bị chó cắn, và không quá 24h.

    - Vết thương do chó cắn không phân biệt chó nhà hay chó dại cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ.

    - Thời gian điều trị càng muộn, hiệu quả càng kém và thông thường sau 24h – 48h việc điều trị có lẽ không còn ý nghĩa nữa, do vi rút đã xâm nhập và ẩn nấp an toàn bên trong tế bào thần kinh.

    - Khi đến cơ sở y tế điều trị hoặc bệnh viện nên cho trẻ bị chó cắn tiêm phòng bệnh uốn ván và cho chỉ định tiêm phòng vắc xin dại sớm nếu thấy nghi ngờ hoặc xác định rõ trẻ bị chó dại cắn.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-be-9-thang-tuoi-bi-cho-can-dut-cau-nho-khi-dang-ngu-a211922.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan