+Aa-
    Zalo

    Nam công nhân bị than vùi lấp tử vong trong hầm lò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi đang đóng tải than tại khu trung tâm Phân xưởng Đào lò 8, Công ty than Quang Hanh, anh M. đã trượt chân ngã và bị than vùi lấp thiệt mạng.

    Khi đang đóng tải than tại khu trung tâm Phân xưởng Đào lò 8, Công ty than Quang Hanh, anh M. đã trượt chân ngã và bị than vùi lấp thiệt mạng.

    Theo báo Tiền Phong, vào khoảng 22h hôm qua (20/2), tại khu vực khai trường khai thác than của Công ty than Quang Hanh đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một công nhân tử vong.

    Nạn nhân là Ngô Đức M. (24 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh). Anh M. là công nhân khai thác hầm lò thuộc công ty Than Quang Hanh.

    Ngày 20/2, anh M. cùng 2 người là Nguyễn Văn Thiên (nhóm trưởng) và học sinh thực tập Bùi Văn Thuận đóng tải than tại thượng vận tải mức -175 đến -100 VT7 khu trung tâm, thuộc phân xưởng Đào lò 8.

    Đến khoảng 22h, khi đang đóng tải than, anh M. không may ngã trượt chân và bị than vùi lấp. Nhóm công nhân cùng ca trực và lực lượng cứu hộ đã tiến hành sơ cứu trước khi chuyển anh M. đến bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả cấp cứu. Tuy nhiên nạn nhân không qua khỏi.

    Anh M. bị than vùi lấp dẫn đến tử vong - Ảnh minh họa

    Thông tin thêm về vụ tai nạn lao động này, báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Mai Quang Dương – Phó chánh văn phòng Công ty than Quang Hanh: “Ngay sau khi xảy ra tai nạn, phía công ty đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam, công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh… để các đơn vị nắm bắt tình hình, phối hợp với công ty để giải quyết sự việc”.

    Cũng theo ông Dương, nguyên nhân dẫn đến công nhân M. tai nạn là do thao tác sai quy trình, trượt chân, bị than vùi lấp dẫn đến tử vong.

    Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, sáng 21/2, thi thể của anh M. đã được đưa về quê nhà để tổ chức mai táng. Các cơ quan chức năng có liên quan cũng đã kịp thời động viên thăm hỏi, hỗ trợ mai táng phí, giải quyết các chế độ liên quan đến anh M. theo quy định của pháp luật.

    Sự việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh điều tra, làm rõ.

    Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Bộ luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

    Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

    1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

    b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

    c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

    2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Bộ luật Lao Động năm 2012)

    1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

    2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

    3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-cong-nhan-bi-than-vui-lap-tu-vong-trong-ham-lo-a181723.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan