Đại học Sư pham Hà Nội
Năm 2022, lần đầu tiên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển bên cạnh các phương thức truyền thống (xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ…). Điểm khác biệt lớn nhất của kỳ thi này so với các kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia là có các môn thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo Tiền Phong
Kỳ thi gồm 8 môn là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề thi Ngữ văn sẽ có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Mỗi ngành học sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực 2 môn (đã nhân và cộng điểm ưu tiên, nếu có). Các ngành có thi năng khiếu sẽ xét tổng thể thi năng khiếu kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (đã nhân và điểm cộng ưu tiên, nếu có).
Thí sinh được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng (2 tổ hợp để vào cùng 1 ngành hoặc vào 2 ngành khác nhau). Đối với thí sinh có 2 nguyện vọng xét tuyển theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ được xét nguyện vọng thứ nhất trước, nếu không trúng tuyển, nguyện vọng thứ 2 được xét tuyển như nguyện vọng thứ nhất.
Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra khả năng lập luận, năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Năm 2022, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 41 ngành đào tạo đại học, trong đó có 26 ngành đào tạo sư phạm và 15 ngành đào tạo ngoài sư phạm.
Đại học Sư phạm TP.HCM
Năm nay, trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021. Bên cạnh phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, nhà trường còn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển.
Trong đó, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp với kết quả học tập THPT.
Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được quy điểm về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0,1 điểm. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó. Ví dụ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm Toán thì sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực Toán và điểm bài thi này sẽ được nhân đôi khi xét tuyển.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt này gồm 6 bài thi cụ thể: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi tùy theo số lượng ngành mong muốn xét tuyển.
Thí sinh thực hiện bài thi này trên máy tính tại các điểm thi do trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức. Trong đó, các bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút. Bài thi gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh phải sử dụng các năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống.
Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn cũng diễn ra trong 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở.
Ở bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh, thí sinh làm trong 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 - 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi được lấy đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau.
Các nội dung kiến thức được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%. Còn lại là kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Các bài thi đánh giá năng lực Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi. Đối với bài thi môn Ngữ văn, phần trắc nghiệm 4 lựa chọn sẽ được máy tính chấm tự động. Phần thi bài văn nghị luận xã hội sẽ được 2 giám khảo chấm điểm sau đó. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.
Đối với bài thi môn tiếng Anh, phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động. Các phần thi nói và viết sẽ được 2 giám khảo chấm điểm sau đó. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.
Trước đó, Đại học Sư phạm TP.HCM đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong tháng 6/2021 tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Tây Ninh). Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp dịch COVID-19, nhà trường phải quyết định hủy kỳ thi, theo Tuổi Trẻ.
Linh Chi(T/h)