Chương trình Mở rộng Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn dựa trên kết quả (RB-SupRSWS) đã được phân bổ 32 triệu USD.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Chương trình Mở rộng Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn dựa trên kết quả (RB-SupRSWS) đã được phân bổ 32 triệu USD.
Chương trình này dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Trung Bộ (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận).
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2015, với tổng kinh phí là 225,5 triệu USD, trong đó 200 triệu USD là vốn vay Ngân hàng Thế giới và 25,5 triệu USD là vốn đối ứng.
Mục tiêu của Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tằng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các tỉnh Miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Trung Bộ.
Cụ thể: Đạt số đấu nối cấp nước hoạt động 255.000 (với số người hưởng lợi từ cấp nước khoảng 1.045.000 người); 680 xã đạt vệ sinh toàn xã; khoảng 400.000 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo; 2.650 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại trường học và trạm y tế được xây mới hoặc cải tạo, trong đó 1.650 công trình và 1000 trạm y tế được xây mới hoặc cải tạo; tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực mục tiêu; xây dựng ăng lực ở cấp tỉnh, xã và thôn, bản nhằm xây dựng thể chế mạnh mẽ và cung cấp cho họ nguồn lực cần thiết để thiết kế, thực hiện, quản lý và nhằm duy trì các công trình vệ sinh và cấp nước.
Kết cấu của Chương trình gồm 03 Hợp phần: Hợp phần 1. Cấp nước nông thôn; Hợp phần 2 về vệ sinh nông thôn, và Hợp phần 3 về nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, điều phối chung thực hiện chương trình; Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ quản về quản lý, điều phối chung thực hiện Hợp phần Vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi; Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý, điều phối chung thực hiện cấp nước và vệ sinh trường học; ngoài ra còn có Uỷ ban dân tộc và Kiểm toán nhà nước; ở cấp tỉnh, Uỷ bân nhân dân tỉnh là cơ quan chủ quản thành phần, chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, phân giao nhiệm vụ cho các sở, ngành trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thực hiện là các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình được triển khai theo cách tiếp cận dựa trên kết quả, tức là giải ngân sẽ được thực hiện dựa trên kết quả đầu ra hàng năm được xác nhận bởi kiểm toán nhà nước. Chương trình cho phép ứng trước tối đa 25% kinh phí trong 02 năm của Chương trình để triển khai thực hiện, số kinh phí này sẽ được hoàn trả theo kết quả thực hiện hàng năm của Chương trình.
Hiệu quả mà Chương trình mang lại sẽ góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật do nguồn nước và nhà vệ sinh. Từ đó, nâng cao chất lượng sống, hiệu suất lao động của người dân.
Nam Anh